Sự quan trọng của tiền. Nguyên tắc trong việc sử dụng tiền.

Về sự quan trọng của tiền, trước tiên, chú muốn hỏi các cháu câu này:

  • Tiền bạc có quan trọng không?
  • Quan trọng như thế nào?
  • Và tại sao nó lại quan trọng?

Có một số cháu nói rõ ràng Tiền bạc rất quan trọng, một số cháu cũng nói Tiền bạc quan trọng nhưng chưa phải tất cả. Như vậy chứng tỏ rằng các cháu có tự học hỏi hoặc được thầy cô, cha mẹ giảng dạy về tiền bạc.

Chú đồng ý với các cháu: Tiền rất quan trọng, cực kì quan trọng. Nhưng sau này chú sẽ giảng sâu hơn rằng cho các cháu có những thứ quan trọng không kém tiền, thậm chí còn quan trọng hơn tiền. Mà khi còn nhỏ, chưa trải nghiệm các cháu có thể chưa nhận ra.

Trở lại với tiền. Chú hỏi các cháu câu này: “Các cháu có thấy bản thân mình có đủ tiền để sử dụng như mong muốn không? Các cháu hãy trả lời thật lòng mình. Đủ hay không đủ?”

(Ngoài lề: Cách cư xử hợp lý.

Trước đây, mấy chục năm trước, người Việt Nam chúng ta rất là lễ nghĩa. Mình không nhất thiết phải lễ nghĩa theo đúng kiểu ngày xưa nhưng mà chúng ta cũng phải giữ cái gốc, chúng ta không thể nói trống không với người lớn hơn mình được.

Bởi vì khi mà chúng ta lịch sự, chúng ta lễ phép với người lớn không bao giờ là thừa cả, nó thể hiện cái văn hóa của mình. Thành ra các cháu nói chuyện nhớ có chủ ngữ, có vị ngữ. Nói chuyện với người lớn hơn mình phải có chữ “ Dạ”, chữ “Vâng”, chữ “Ạ”, chứng tỏ là mình có cái kính ngữ trong đó. Bạn bè chú, những người mà học đàng hoàng, nhỏ hơn chú 1-2 tuổi, là bằng tuổi bác, tuổi chú của các cháu mà nói chuyện với chú là vẫn kính ngữ đàng hoàng. Bản thân chú nói chuyện với người lớn tuổi hơn chú, chú vẫn dùng kính ngữ. Không có gì sai khi chúng ta nói chuyện đàng hoàng, lễ phép với người khác. Nhiều các bạn trẻ bây giờ, các bạn học tiếng Anh, các bạn chưa hiểu hết, thì lại dùng từ trống không, nghĩ rằng đó là mình giỏi, như vậy là không đúng, các cháu chưa hiểu hết văn hóa từ người ta. Hôm qua có một cháu đôi khi lại: “Hi thầy, hi chú”. Cái chữ “Hi” đó, các cháu sẽ không bao giờ “Hi” bên ngoài,”Hi ba,hi má”, trừ khi họ cùng sinh sống với cháu ở nước ngoài. Còn đây đang ở Việt Nam, họ chưa có hiểu văn hóa tiếng Anh, văn hóa của người nước ngoài nên các bạn đừng như vậy, đừng “Hi” với người lớn tuổi hơn mình nếu mà chúng ta đang không ở trong cái môi trường nước ngoài. Cái này chú không có khó khăn mà chú dạy để giúp cho các cháu thành công hơn và các cháu sẽ thấy những người thành công là những người cư xử rất đúng mực, họ giữ cái chất văn hóa chứ không phải là những người cứ ăn nói lung tung. Các cháu thấy là khi tiếp xúc với một người, mà cái việc mà họ nói ra thôi chúng ta đã có thể cảm thấy rằng là có thể yêu thương, thương mến, tin cậy họ hay không. Và chú cũng góp ý là cái tuổi mới lớn chúng ta hay muốn làm cái gì đó khác biệt nhưng sự khác biệt không nên được thể hiện qua những cái hành động mà nó đi ngược lại cái đạo lý, truyền thống, cư xử bình thường.)

** Tiếp tục bài giảng: 

Phần đông là chúng ta đều cảm thấy không đủ.

Có một số cháu bảo rằng không sử dụng tiền nên không biết có đủ hay không. Thì cháu đấy hoặc là rất may mắn, không sử dụng tiền, có người lo hết cho mình hoặc là không may mắn vì không được quản lí tiền của mình, để người lớn quản lý tiền của mình. Ngày hôm nay chú sẽ hướng dẫn cho các cháu một nguyên tắc rất quan trong trong việc quản lý tiền, quản lý tài chính.

Đó là nguyên tắc: SỬ DỤNG tiền ÍT hơn số tiền mà chúng ta KIẾM được.

Spend Less than you Earn
Từ khóa: Sử dụng, Kiếm tiền
Từ khóa rất quan trọng là ÍT hơn.

Khi mà chúng ta sử dụng nhiều hơn tiền chúng ta kiếm được, thì chúng ta sẽ bị thiếu hụt. Sẽ rất khó khăn. Nhiều gia đình cãi nhau, lục đục và thậm chí ly dị vì chuyện thiếu hụt tiền bạc.

Các cháu có nghe câu chuyện chiếc lược và cái đồng hồ chưa? Đây là câu chuyện chú đọc từ hồi 8, 9 tuổi và bây giờ vẫn còn trên Internet. Để chú kể cho các cháu nghe nhé.

“Ngày xửa, ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo chung sống với nhau. Một ngày nọ, vợ ông, người có mái tóc rất dài, rất đẹp hỏi chồng về chuyện mua một chiếc lược mới hơn để dùng. Người đàn ông cảm thấy rất buồn và thất vọng vì không mua nổi cho vợ một cái gì đó. Ông không đủ tiền để mua được cho vợ một chiếc lược mới bởi số tiền kiếm được chỉ đủ để lo cho miếng cơm hằng ngày. Thậm chí, ông cũng không dám mang chiếc đồng hồ cũ đã đứt dây đi sửa. Một hôm, khi đang trên đường đi làm về ngang qua cửa hàng đồng hồ, ông quyết định bán nó. Với số tiền ít ỏi từ việc bán chiếc đồng hồ cũ người chồng mua một chiếc lược mới cho vợ mình. Ông trở về nhà vào buổi tối và mang tặng cho vợ món quà nhỏ bé này. Tuy vậy, ông đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy người vợ thân yêu với mái tóc ngắn. Bà đã bán tóc của mình và mua tặng cho ông một chiếc đồng hồ mới. Nước mắt lăn dài trên gò má của hai vợ chồng, họ ôm nhau khóc trong hạnh phúc. Tuy cuộc sống hiện tại khá khó khăn, nhưng bù lại họ đã có được tình yêu và sự sẻ chia trong cuộc sống. Đó là món quà quý giá nhất mà hai vợ chồng ông nhận được từ thượng đế.”

Câu chuyện rất tuyệt vời. Hồi xưa chú mê lắm. Chú rất thích những câu chuyện như vậy, nói về tình yêu. Khi người ta yêu nhau, người ta vượt qua nhiều thứ và người ta hạnh phúc. Nhưng ở đời thực thì khó. Một hai lần khó khăn như thế thì được, chứ liên tục thiếu hụt, thì khó lắm các cháu à. Không có đơn giản như vậy. Vì hai vợ chồng đã không thể đóng cửa ở chung với nhau mà họ còn phải giao tiếp ở bên ngoài nữa, họ còn có những mối quan hệ bên ngoài. Người vợ cũng phải làm đẹp mình trước công chúng, người chồng cũng phải tương tất trước công chúng. Và họ cũng có những nhu cầu rất lớn ở ngoài đời thật. Thế thì những câu chuyện như vậy làm chúng ta rất là xúc động, chúng ta hướng đến hướng thiện nhưng chúng ta hiểu rằng đời thường mà thiếu hụt tiền hoặc kiếm tiền vừa đủ, hơi thiếu một chút sẽ rất khó khăn.

Như vừa rồi, khi Covid vừa xảy ra, thì rất là nhiều gia đình khó khăn. Bởi vì trước đó họ chưa thiếu hụt, vừa đủ nhưng vào dịch Covid là không kiếm được tiền nên sẽ bị thiếu hụt và khi thiếu hụt rồi các bạn sẽ thấy rằng rất là khó khăn. Đó cũng là lý do mà cha mẹ các cháu muốn các cháu không bị cái khó khăn như vậy, vững vàng hơn về tài chính thành ra mới nói các cháu nghe bài của chú.

Khi chúng ta thiếu hụt thì cuộc sống sẽ khó khăn. Có người sẽ vay mượn để bù cho sự thiếu hụt đó. Nếu chúng ta cứ tiếp tục thiếu hụt như thế trong một thời gian dài, thì chúng ta sẽ ở trong cái tình trạng mà giới trẻ bây giờ gọi là thiếu tiền “bền vững”. Thiếu tiền nó còn tệ hơn nghèo. Nghĩa là cái số tiền mà chúng ta sử dụng nhiều hơn số tiền mà chúng ta kiếm được và xảy ra tình trạng thiếu hụt.

Khi đó chúng ta không quản lý được tiền bạc mà chúng ta đã để tiền bạc quản lý, kiểm soát chúng ta. Và lúc đó chúng ta sẽ chạy theo để làm sao chúng ta có đủ tiền để thoát ra cái sự thiếu hụt này. Vậy lúc đó là chúng ta đã bị tiền bạc quản lý chứ chúng ta không quản lý tiền bạc, không quản lý tài chính cá nhân. Thì như vậy, chúng ta phải sử dụng tiền ít hơn tiền mà chúng ta kiếm được chứ không phải là ngược lại. Câu hỏi dặt ra là làm sao để thực hiện được nguyên tắc này:

“Sử dụng tiền ít hơn số tiền mà chúng ta kiếm được.”

Phải gộp được tất cả câu trả lời của các cháu thì mới ra được kết quả, bởi vì mỗi người có một góc nhìn khác nhau, thì tất cả đều đúng nhưng chưa đủ. Thì chương trình này của chú, sẽ giúp các cháu những giải pháp để thực hiện nguyên tắc này, và một số nguyên tắc quan trọng khác nữa trong quản lý tài chính cá nhân. Đây là một trong những nguyên tắc thôi, còn rất nhiều nguyên tắc khác.

Giải thích sơ bộ về làm sao chúng ta có thể thực hiện được nguyên tắc này. Các cháu mặc dù thấy trong nguyên tắc chữ “Sử dụng tiền” trước và chữ “Kiếm” sau, nhưng khi các cháu lớn thì các cháu phải bắt đầu bằng chữ “Kiếm tiền”. Bây giờ các cháu còn nhỏ, thì tiền đa số các cháu kiếm được là do cha mẹ cho thành ra chúng ta không đặt nặng vấn đề kiếm được. Thì một số bạn hiền lành, ba mẹ cho bao nhiêu thì xài, có một số bạn thì vòi vĩnh cha mẹ, đòi thêm để sử dụng. Nhưng mà chúng ta dưới 18 tuổi, chưa đi làm thì không nên.

Tiền mà cha mẹ có thể cho chúng ta để khuyến khích chúng ta làm này làm nọ nhưng vẫn chưa phải là đi làm cho xã hội. Khi mà trên 18 tuổi, thì chú sẽ khuyến khích các cháu là vừa học vừa làm, mục đích chính không phải để kiếm tiền mà là để hiểu cái cuộc sống bên ngoài, hiểu giá trị của đồng tiền và dĩ nhiên là cũng kiếm tiền nữa. Sau khi mà các bạn học đại học xong, học trung cấp xong, các cháu ra đời thì cái việc kiếm tiền là việc quan trọng, kiếm tiền thì mới sử dụng tiền được chứ.

Chú sẽ khuyến khích, hướng dẫn cho các cháu làm sao để kiếm tiền được nhiều nhất một cách lương thiện, một cách đàng hoàng. Bởi vì chỉ có kiếm nhiều tiền khi chúng ta còn trẻ, cái lứa tuổi mà 21-22 cho đến 40, thì chúng ta mới có thể cống hiến giá tri. Nhưng mà các cháu phải biết đi đúng hướng, để làm những cái việc mà xã hội chấp nhận trả nhiều tiền, để làm đúng cái việc mà các cháu thích làm, đam mê và có khả năng làm tốt nhất.

Để mà sử dụng tiền ít hơn là chúng ta phải sử dụng khôn ngoan, phải sử dụng vào những gì cần thiết, không phải cái chúng ta muốn mà là cái chúng ta cần và chúng ta phải biết cách quản lý. Như vậy chưa đủ, các cháu còn phải biết giữ tiền, biết bảo vệ tiền. Tiền rất là dễ bị mất, các cháu mà để tiền trong nhà là tiền sẽ bị mất, không phải là vì em mình nó lấy đâu, mất mát bị ăn cắp chỉ là một phần thôi, chúng ta sẽ bị mất mát vì lạm phát. Chú sẽ giảng cho các cháu hiểu chúng ta phải đầu tư, tiền phải sinh ra tiền, ngoài cái việc tiền chúng ta kiếm được rồi, chúng ta để dành ra rồi, tích lũy ra rồi thì chưa đủ, tiền phải sinh ra tiền. Mà nếu không biết đầu tư, thì thay vì sinh ra tiền, các cháu sẽ làm mất tiền.

Thông qua các buổi chia sẻ của chương trình này, chú sẽ giúp các cháu quản lý tài chính cá nhân, quản lý tài chính gia đình hiệu quả để có một cuộc sống thành công và hạnh phúc. Thông minh về tài chính sẽ giúp chúng ta rất nhiều thứ.

Khi mà chú nói chuyện như thế này với người lớn, với ba mẹ các cháu. Chú chia sẻ với người lớn hay là chú viết sách, chú dạy các khóa học. Có một câu chú nghe rất là thường xuyên là: “Phải chi tôi biết chuyện này sớm hơn, phải chi tôi biết sớm hơn 10-20 năm”. Thì chú nói với họ rằng là không bao giờ là trễ. Ví dụ như là cái người 40 tuổi nói là trễ, chú nói họ vẫn còn khá nhiều thời gian trước mắt. Ngay cả người 50 tuổi, có trễ một chút nhưng vẫn không sao, vẫn tiếp tục, vẫn thay đổi được. Nhưng mà nếu những người ấy biết về tài chính cá nhân và thực hiện đúng tài chính cá nhân từ cái tuổi còn thiếu niên thì rất là tuyệt vời, ai cũng hối tiếc như vậy. Thành ra các cháu có cơ hội để không hối tiếc.

Trước khi kết thúc thì chú nhắc lại với các cháu một số ý ngày hôm nay.

Thứ nhất, tiền rất là quan trọng nhưng rồi chú sẽ giúp các cháu nhận ra có một số thứ còn quan trọng hơn tiền. Khi mà mình chưa có đủ tiền thì mình sẽ chỉ thấy tiền mà thôi, làm sao để có tiền. Nếu mà chúng ta thiếu hụt, cuộc sống sẽ rất là khó khăn, khó mà hạnh phúc nếu chúng ta thiếu tiền. Tiền không đảm bảo hạnh phúc nhưng thiếu tiền là chúng ta không hạnh phúc. Và cái câu ngày hôm nay chú muốn các cháu mang về là:

“Sử dụng tiền ít hơn số tiền mà chúng ta kiếm được”.

Đây là một trong những quy tắc quan trọng nhất trong tài chính cá nhân.


Thân ái,
Lâm Minh Chánh/ Chú Ba Tài Chính


Bài viết được tôi chia sẻ trên trang Tài chính Cá nhân dành cho Thiếu niên – LMC ngày 09/10/2021: https://www.facebook.com/TaiChinhCaNhanDanhChoThieuNien/videos/1533889163644478/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

spot_img

Đọc nhiều

Kết nối với tôi

Hãy gửi cho tôi email của bạn, để nhận thông báo về những bài viết mới nhất của tôi nhé!

Bài viết liên quan