Tại sao chúng ta được sanh ra? Đó là câu hỏi Mark Twain đặt ra, nhưng tôi nghĩ câu hỏi này không nên đặt ra, bởi đâu có ai biết chắc chắn. Theo triết lí Phật bản ngã (self) chỉ là ảo giác, nên câu hỏi tại sao chúng ta được sanh ra là không cần thiết, là câu hỏi sai. Nhưng theo tâm lí học phương Tây thì bản ngã là có thật, và cần phải phân tích để hiểu cái căn cước tính của mỗi người. Thành ra, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao chúng ta được sanh ra” theo tôi là mất thì giờ vì khác điểm tham chiếu. Tốt nhứt là chúng ta chấp nhận rằng chúng ta đang sống, và cuộc sống có mục đích.
Chúng ta đang sống, và chúng ta cần phải kiến tạo cuộc sống tử tế hơn và đáng sống hơn. Để làm cho cuộc sống đáng sống hơn, chúng ta cần phải hạnh phúc và diệt khổ. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi người chung quanh hạnh phúc. Để làm cho người chung quanh hạnh phúc, chúng ta cần phải chia sẻ và phụng sự. Suy nghĩ như thế chúng ta sẽ thấy mục đích sau cùng của cuộc sống là chia sẻ và phụng sự.
Ai cũng ghi nhận một sự thực là cuộc sống đúng là vô thường. Không có gì tồn tại mãi mãi. Tất cả đều thay đổi theo thời gian, hay nói theo ngôn ngữ thời nay là ‘tự diễn biến’. Bạn bè có khi thấy đó rồi mất đó. Chúng ta đã thấy biết bao trường hợp mà hôm qua thì lên xe xuống ngựa, hôm nay thì … đi tù. Thành ra, người ta có câu: ‘hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng’ (nói theo cách nói của người phương Tây là ‘live each day as if it were your last day’). Nói cách khác, hãy phụng sự đời mỗi ngày thì chúng ta sẽ có hạnh phúc và kiến tạo một đời sống đáng sống hơn.
Tôi nghiệm ra có 4 điều mà mỗi chúng ta có thể làm để tạo ra một cuộc sống hạnh phúc. Đó là giúp người, chia sẻ, học hỏi, và cảm ơn.
ĐIỀU 1: GIÚP NGƯỜI
Theo tôi, cuộc sống không phải là tìm câu trả lời cho câu hỏi ‘tôi là ai’, mà là kiến tạo chính mình. Một cách kiến tạo hiệu quả nhứt là giúp người khác, đặc biệt là những người trong tình huống khó khăn. Nếu không giúp được thì cũng đừng nên hại họ. Hành vi và hành động giúp đỡ người khác còn có hiệu quả làm giàu vốn liếng tinh thần. Người phương Tây hay nói rằng không ai nghèo vì giúp đỡ người khác cả; ngược lại mình giàu hơn khi mình giúp người trong hoàn cảnh khó khăn. Câu đó rất đúng.
Từ ngày tôi được bầu vào Viện hàn lâm y học, tôi giúp khá nhiều đồng hương. Tôi chỉ viết thư giới thiệu để họ có thể sang Úc định cư. Tất cả các em này tôi chưa một lần gặp ngoài đời trước khi viết thư giới thiệu. Nam có, Trung có, Bắc có. Tôi chỉ thấy họ giỏi, có tiềm năng cho nước Úc, và nhứt là người mình với nhau, thì giúp thôi. Trong số 5 em, thì tôi giúp thành công cho 4 em. Coi như mình giúp họ đổi đời như tôi từng đổi đời cách đây 40 năm. Bốn mươi năm trước, người ta giúp mình qua đây; giờ mình ở vị thế giúp người khác.
ĐIỀU 2: CHIA SẺ
Tôi nghiệm ra rằng chia sẻ là một yếu tố rất quan trọng làm cho chúng ta sống có ý nghĩa hơn. Má tôi lúc sanh tiền hay nói câu “Chia ngọt sẻ bùi” một cách rất tự nhiên, chứ chẳng có triết lí gì cao siêu cả. Mà đúng vậy, vì cuộc sống là chia sẻ với nhau. Chúng ta chia sẻ rất nhiều điều với người chung quanh. Tiền bạc, thức ăn, quần áo, tình cảm, tin mừng, tin buồn, v.v. đều có thể chia sẻ. Hồi còn nhỏ ở miệt quê, tôi thấy cái truyền thống chia ngọt sẻ bùi rất hay. Nhà tôi có tiệc nấu nướng là tôi có nhiệm vụ đi mới mọi bà con và hàng xóm đến ăn uống. Hàng xóm làm bánh là cũng đem cho hàng xóm khác. Tôi nghiệm ra là hành động chia sẻ như thế giúp cho cộng đồng gắn bó với nhau hơn và cuộc sống đáng sống hơn.
Tôi nghĩ truyền thống chia sẻ ở miệt quê cũng nến áp dụng trong giới có học. Nếu chúng ta có kĩ năng hay kiến thức chuyên môn, thì cũng nên chia sẻ với mọi người. Đó chính là một trong những lí do tôi thích viết và soạn bài giảng miễn phí trên mạng (dù tôi không có chức năng giảng dạy). Cứ mỗi lần nhận được email của các bạn nói rằng nhờ mấy kĩ năng tôi chia sẻ mà họ học hành tốt hơn hay được thăng tiến là tôi thấy vui trong lòng.
ĐIỀU 3: HỌC MỖI NGÀY
Hồi ở trại tị nạn tôi nghiệm ra cách giết thì giờ bằng cách học 1 chữ tiếng Anh mỗi ngày và thấy rất hiệu quả. Bây giờ tôi cố gắng học 1 điều hay mỗi ngày.
Cái điều hay đó có khi chẳng dính dáng gì với công việc, mà có thể là sự lạc quan, tính yêu đời, hay thái độ tích cực của người mình tiếp xúc. Điều hay cũng có thể là một câu nói hay trong sách mà mình đang đọc. Đó chính là lí do tôi dự rất nhiều seminar có khi chẳng dính dáng gì đến lãnh vực nghiên cứu của mình, vì mục tiêu là chỉ để học hỏi từ diễn giả và người mình tiếp xúc.
ĐIỀU 4: CẢM ƠN
Cố gắng mỗi ngày, khi có dịp, viết xuống hay nói ra một câu cảm ơn. Ở đời, chúng ta phải cảm ơn nhiều người lắm: cảm ơn người nông dân để mình có gạo ăn; cảm ơn anh tài xế xe lửa để mình đi làm dễ dàng; cảm ơn người đầu bếp quán ăn đã nấu một món mì ngon; cảm ơn người quét đường đã giúp cho đường phố sạch sẽ, v.v. Nhận một email động viên, nên cảm ơn. Lên xe lửa thấy có người nhường ghế, cũng nên cảm ơn. Vào nhà hàng và được phục vụ, thì câu nói cảm ơn là không thể thiếu được. Có những tình huống, chữ ‘cảm ơn’ vẫn chưa đủ mà phải là “cảm tạ” (cảm = xúc động, tạ = cảm ơn) mới thích hợp.
Ở phương Tây thì câu “thank you” là câu nói rất phổ biến, nhưng ở Việt Nam thì vẫn cần phải học cách nói này của phương Tây. Hai chữ “cảm ơn” hay “cảm tạ” có hiệu quả thần kì, giống như chất xúc tác cho sự hạnh phúc và thắp sáng tâm hồn vậy.
Đó là 4 điều tôi nghiệm ra về mục đích của cuộc sống. Bốn điều đó có thể tóm tắt rằng: mục đích của cuộc sống là kiến tạo hạnh phúc, và để kiến tạo hạnh phúc, chúng ta nên giúp người, chia ngọt sẻ bùi, học hỏi mỗi ngày, và cảm ơn. Tôi nghĩ rất dễ thực hành 4 điều này mỗi ngày, và nếu ai cũng làm vậy thì cuộc sống này quả thật đáng sống hơn.”
Đây là bài viết nhân ngày sanh của anh Nguyễn Tuấn. Tôi trích lại, nhằm chia sẻ với anh về 4 mục đích của cuộc sống mà anh tâm đắc. Cũng như để chúc mừng anh nhân ngày sinh nhật và chức danh “Distinguished Professor” danh giá do Hội đồng Đại học Úc phê chuẩn.
Đây là hình 4 anh em Nguyễn Tuấn, Xuân Sơn Võ, Lê Công Định và tôi chụp 2 tuần trước tại nhà BS Sơn. Vắng anh Nguyễn Thiện vì lý do sức khoẻ. So với hình 2 năm trước thì cũng có chút khác biệt.
Theo các bạn, thì ai trong 4 ông này có nhiều Sugar nhất?
Bài viết được tôi chia sẻ trên trang Facebook cá nhân ngày 06/05/2022, các bạn comment ý kiến của các bạn vào đây nhé: https://www.facebook.com/LamMinhChanh/posts/5099794110108039