Hiểu đúng về Tài chính cá nhân từ tuổi thiếu niên

Mời bạn xem video livestream do tôi chia sẻ, về chủ đề “Hiểu đúng về Tài chính cá nhân từ tuổi thiếu niên“.

Tuần trước chúng ta học về Nguồn gốc của tiền, tại sao mà có tiền và đề tài tiền thì lâu lâu chú sẽ nhắc lại.

Tuần này chúng ta học về Tài chính cá nhân và chương trình này chú mong muốn là chú có thể làm một năm là 52 buổi cho đến hai năm là 100 buổi. Bởi vì Tài chính cá nhân và Tiền bạc rất là nhiều thứ. Và đối với các cháu thì chú không thể nào nói liền vài ba tiếng đồng hồ.

Cái đề tài này nó rất là nhiều nội dung để chúng ta nắm: về Tiền bạc, về Tài chính rồi nó sẽ liên quan đến kinh tế, rất nhiều chuyện để chia sẻ với các cháu.

Hôm nay chú chia sẻ đề tài Hiểu đúng về Tài chính cá nhân từ tuổi thiếu niên.

Chú muốn giúp cho các cháu có một cái hiểu biết về Tài chính cá nhân. Thì với người lớn, chú đã viết một cuốn sách rồi và xuất bản được gần 50.000 cuốn và chú cũng có những khóa học online. Với các cháu thì chú dùng phương tiện Livestream và chú hỗ trợ cho các cháu hoàn toàn miễn phí, đấy là một phần việc mà chú cảm thấy chú cần phải làm. Mình đóng góp lại cho xã hội, bất cứ người nào cũng vậy khi mà đã qua được những cái khó khăn thì cũng nên đóng góp lại cho người khác, đóng góp lại cho xã hội thì chú cũng mong sau này các cháu cũng như thế nhé, khi mà chúng ta có được thành tựu, có được những cái gì đó từ xã hội thì những gì có thể chia sẻ được sẽ chia sẻ cho xã hội.

Cái mà chú muốn nói là rất nhiều người trong chúng ta không hiểu ĐÚNG về quản lý Tài chính Cá nhân.

Cuốn sách chú viết các cháu không cần phải mua, cứ mỗi thứ 7 các cháu học là đủ rồi. Khi chú viết cuốn sách này có rất nhiều người nói là “Phải chi em biết cuốn sách này từ sớm”, chú trả lời với những người đó là “Không lúc nào là muộn cả”. Nhưng mà những câu nói đó cũng làm cho chú suy nghĩ “Tại sao mình không đưa Tài chính cá nhân này cho các cháu từ tuổi thiếu niên như vậy sẽ không có câu nói phải chi tôi biết những điều này từ hồi trẻ. Đó là lý do chú sẽ thực hiện cái chương trình này dài hơn.

Về Tài chính cá nhân, phần đông mọi người nghĩ tiền rất là quý thành ra ai cũng biết cách giữ tiền, ai cũng nghĩ mình là người quản lý tiền giỏi. Thật ra chúng ta không có giỏi, chúng ta không biết cách và ngay cả một số người nói về Tài chính cá nhân. Hôm qua chú có một bài viết trên facebook của chú, thì có người nói rằng là đã dạy cho hai người con của mình về Tài chính cá nhân rất là tốt, dạy hai người con của chú đó biết cách tiêu xài tiền, chỉ sử dụng tiền khi mua những thứ cấp thiết thôi chứ không có sử dụng tiền sai mục đích. Thì điều này dĩ nhiên là quá hay rồi, chú ca ngợi nhưng mà chú cũng giải thích với chú đó về vấn đề sử dụng tiền nó chỉ chiếm 1/5 của Quản lý Tài chính cá nhân thôi. Quản lý tài chính cá nhân gồm có 5 vấn đề chính, thì khi mà các cháu hiểu hết vấn đề Quản lý Tài chính cá nhân, có góc nhìn cơ bản rồi thì chú sẽ tiếp tục giảng cho các cháu về những phần đi sâu bên dưới.

Chúng ta bắt đầu bài ngày hôm nay. Trước khi nói về Quản lý Tài chính cá nhân, chú sẽ chia sẻ với các cháu về cách mà chúng ta phải quản lý tài chính theo kiểu thông thường:

CÁCH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN THÔNG THƯỜNG

Đây là cái hằng ngày những gia đình vẫn quản lý như vậy. Cái chưa đúng, chưa hợp lý thứ nhất cần phải thay đổi là: Các gia đình không đặt ra mục tiêu tài chính một cách chi tiết, cụ thể.

Ai cũng mong muốn giàu, nếu đang khó khăn thì mong muốn là vượt qua khó khăn, ai đang bình thường thì muốn mình giàu hơn. Giàu hơn thế nào, đến số tiền nào, đến chừng nào và làm sao đặt được điều đó thì có thể nói rằng là chúng ta có mong muốn nhưng mà nó chưa có cụ thể, chi tiết và nó còn mơ hồ. Thì trong chuỗi chương trình này chú sẽ đưa vào một số kiến thức, kỹ năng quan trọng trong đó chú sẽ chia sẻ về mục tiêu thông minh là mục tiêu như thế nào.

quan ly tai chinh ca nhan
Rất nhiều người chưa cố gắng, chưa sử dụng hết tiềm năng trong việc kiếm tiền.

Khi chúng ta có mục tiêu thì cần mục tiêu thông minh, phải chi tiết, cụ thể, thời gian và nó có thể đạt được thì bài này chú sẽ chia sẻ với các cháu sau. Nhưng mà chú muốn nói với các cháu rằng là rất nhiều chúng ta không có đặt mục tiêu tài chính một cách chi tiết, cụ thể. Mình muốn số tiền bao nhiêu, mình muốn giàu như thế nào, mình muốn an toàn tài chính như nào.

Chúng ta rất là mường tượng, tức là không có một cái cụ thể, mà không có cụ thể thì làm sao có kế hoạch. Đó là cái mà các cháu cần phải tránh, bất cứ cái gì trên cuộc đời này việc lớn là cần phải có mục tiêu cụ thể, không chỉ tài chính không đâu mà bất cứ cái gì cũng cần mục tiêu cụ thể. Và cái lớn nhất của chúng ta gọi là Mục tiêu cuộc đời, các cháu có biết không qua cuộc thí nghiệm lớn nghiên cứu rất sâu và rộng của hai trường đại học hàng đầu của Mỹ là người ta tìm thấy được những người có mục tiêu cuộc đời thì có khả năng thành công nhiều hơn những người không có mục tiêu cuộc đời.

Một cái lỗi thứ hai nữa là về vấn đề kiếm tiền. Nói về Tài chính là phải bắt đầu nói về việc kiếm tiền: Rất nhiều người chưa cố gắng, chưa sử dụng hết tiềm năng trong việc kiếm tiền.

Nếu mà các cháu quan sát xung quanh thấy ba mẹ mình vất vả, có thể là chưa đủ. Các nước phương Tây, thiếu niên đã được tập kiếm tiền từ hồi đại học, để mình có tiền trang trải. Khi tốt nghiệp thì giới trẻ phương Tây, những gia đình trẻ cố gắng phấn đấu làm công việc đó tốt, đối với những công việc trả mức lương vừa phải ở cái nghề của họ thì họ sẽ làm thêm công việc thứ hai.

Khi mà còn trẻ, còn sức lao động, cái đầu mình còn tốt thì mình phải nên kiếm càng nhiều tiền càng tốt, dĩ nhiên mình không có làm hại sức khỏe của mình, dĩ nhiên mình cũng phải sống với những thú vui của mình. Nhưng mình nên quan trọng cái việc Kiếm tiền, bởi vì mình kiếm tiền thì cái tiền đó trong tương lai mình tích lũy được và mình đầu tư thì tương lai của mình nó sẽ rất là tốt.

Các cháu có thấy là ở Việt Nam khi mà vừa ra trường thì cái áp lực có việc làm rồi áp lực đủ nuôi sống mình nó rất là cao nhưng mà sau đó thì các bạn nhẹ nhàng, sau khi mà cuộc sống nó ổn rồi bắt đầu nhẹ nhàng đi. Cái đó là sai, chưa đúng, chúng ta phải làm mọi cách để chúng ta kiếm tiền bằng cách lương thiện, bằng mồ hôi trí óc của mình, chứ chúng ta không nên dừng lại ở đó.

Chúng ta cứ làm việc đủ 8 tiếng rồi về, cà phê hoặc là nhậu. Những cặp vợ chồng trẻ mới lập nghiệp, người Việt Nam mà ra nước ngoài 2 vợ chồng làm việc coi như suốt tuần không gặp được nhau bởi vì người nào cũng làm 2 công việc. Thì chú không muốn hù dọa hay là muốn các cháu phải khổ sở như thế, bởi vì những gia đình này mới lập nghiệp ở nước ngoài. Nhưng mà chú muốn nói là chúng ta đừng cho phép mình quá sướng, chúng ta phải tìm cách kiếm nhiều tiền hơn, nhớ là tiền lương thiện nha khi mà chúng ta còn trẻ.

Cái lỗi nữa của Quản lý tài chính thông thường: Là chúng ta chưa sử dụng, tiêu xài tiền khôn ngoan.

hieu dung ve tai chinh ca nhan

Tiền kiếm ra khó, ngay trong gia đình mình hay hàng xóm hay gia đình người bạn mình thấy món đó ba mẹ các cháu mua mà không sử dụng, không có quan trọng, không mua nó cũng không sao. Còn đàn ông thì ăn nhậu, cà phê nhiều quá, phụ nữ thì mua sắm nhiều quá, thì có những cái đồng tiền chúng ta sử dụng chưa được khôn ngoan.

Những đồng tiền đó là sức lao động, mồ hôi của mình. Nếu chúng ta giữ lại những đồng tiền này tích lũy và đầu tư thì trong tương lai chúng ta sẽ làm chủ cuộc đời, chứ không để đồng tiền làm chủ mình. Nếu chúng ta sử dụng tiền không khôn ngoan đến lúc chúng ta thiếu tiền thì tiền nó làm chủ mình. Các cháu còn nhỏ các cháu sẽ chưa biết cái cảnh người ta túng thiếu tiền nó khó khăn lắm, và chú dùng từ có những trường hợp rất là nhục nhã. Cuộc sống là như vậy, các cháu lớn lên và có gia đình, vì lý do nào đó mà mình không có đủ tiền để lo cho cuộc sống, để trả nợ thì nó buồn lắm. Bởi vì mình không có đủ tiền thì mình vay, tới ngày không trả tiền người ta tới chửi mình thì nhục nhã chứ.

Cái sai lầm nữa là: Không biết giữ tiền, bị mất tiền vì nhiều lý do khác nhau.

Nếu các cháu để tiền ở một chỗ là các cháu sẽ bị mất tiền, không phải bị ăn cắp đâu, mà là bị tiền mất giá vì lạm phát.

Mọi người nghĩ là kiếm tiền khó chứ xài tiền, giữ tiền thì dễ mà. Không phải vậy đâu, có rất nhiều người không biết giữ tiền, bị mất tiền vì rất nhiều lý do. Ví dụ tiền mà các cháu không để nó sinh sôi nảy nở, các cháu còn nhỏ thì các cháu cất tiền trong con heo hay hình thức nào đấy là các cháu đang tích lũy.

Các cháu chưa biết thì các cháu sẽ dùng phương pháp đấy, thời gian sau chú sẽ hướng dẫn các cháu gửi ngân hàng, gửi vào công cụ nào đấy để tiền sinh ra tiền, nếu các cháu để tiền ở một chỗ là các cháu sẽ bị mất tiền, không phải bị ăn cắp đâu, mà là bị tiền mất giá vì lạm phát. 100 đồng ngay hôm nay sang năm vẫn có 100 đồng đấy nhưng chỉ mua được đồ có trị giá 64 đồng bây giờ, mỗi năm nó cứ như vậy thì tiền của mình sẽ bị mất đi vì lạm phát.

Có những cái rủi ro, chúng ta sẽ không biết nó sẽ xảy ra với chúng ta, với tất cả mọi người, chúng ta phải biết mua bảo hiểm để bảo vệ rủi ro. Mất tiền vì vay mượn tiêu dùng, ví dụ thay vì chúng ta có 30 triệu để mua điện thoại thì mình có 15 triệu thôi, 15 triệu còn lại mình vay, thì các cháu nghĩ vay tiêu dùng trả góp hằng tháng nó nhẹ nhàng nhưng mà cái lãi suất thựcnos lên 60-80%.

Các cháu đầu tư một năm lời 10-15% là mừng lắm rồi, bây giờ mình vay là mình mất 60-80%, vậy là mình mất tiền rồi. Nếu mình biết như thế thì hằng tháng mình muốn mua cái gì mình phải để dành, tiết kiệm để có tiền mình mua, như vậy mình không bị vay lãi suất cao rồi mất tiền. 

Đầu tư theo may rủi, không bài bản.

Đầu tư cũng là một phần quan trọng trong tiền sinh ra tiền. Thì rất là nhiều người mà chúng ta đầu tư theo cái mà nghe nói thôi, “Nghe nói mua đất chỗ đó tốt”,…, toàn nghe nói. Mà chỉ vì sự nghe nói đó cộng với ai cũng có lòng tham thì rất là nhiều người mất tiền vì đầu tư sai, không biết thẩm định, rất rất nhiều người mất tiền vì đầu tư lừa đảo.

Các cháu mà đầu tư thì các cháu sẽ thấy đa cấp đầu tư rồi lừa đảo tài chính lúc nào cũng có , thời nào cũng có, từ bên Mỹ, châu Âu đã có rồi. Vì luôn luôn có những người thiếu kiến thức, luôn luôn có những người có lòng tham dẫn tới là cứ thế đầu tư thôi. Mà nếu các cháu có kiến thức, các cháu theo chương trình này của chú thì các cháu sẽ nắm được kiếm thức vững vàng, các cháu sẽ biết cái dự án nào là nó lừa đảo, theo dòng bài giảng chú sẽ giảng cho các cháu ở những bài sau.

Không đạt được mục tiêu tài chính.

Đầu tiên là chúng ta không đặt mục tiêu rõ ràng mà chúng ta không đặt là không đạt mục tiêu rồi. Mà chúng ta đặt mục tiêu mà chúng ta không biết kiếm tiền nhiều, không biết sử dụng tiền hợp lý, chúng ta không biết giữ tiền và đầu tư tiền để tiền sinh sôi nảy nở thì chúng ta không đạt được mục tiêu tài chính. Thì đó là cách quản lý tài chính thông thường.

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN ĐÚNG – ĐẶT RA MỤC TIÊU TÀI CHÍNH MỘT CÁCH CHI TIẾT, CỤ THỂ

Chúng ta muốn đạt số tiền nào đó ở thời điểm nào đó chúng ta phải đặt mục tiêu ra.

Mục tiêu quan trọng nhất là mục tiêu An toàn tài chính.

An toàn tài chính là gì? Là các cháu, gia đình các cháu phải có một số tiền có thể để ngân hàng hay tiền mặt hay những sản phẩm có thể chuyển qua tiền nhanh gọi là có tính thanh khoản cao đó với cái giá trị tương đương với 6 tháng tới 1 năm cho những như cầu thiết yếu của mình.

Ví dụ như một gia đình thu nhập 50 triệu, họ tiêu xài bình thường là 40 triệu, những nhu cầu thiết yếu mà không có nó chúng ta sẽ rất khó khăn chiếm khoảng 25 triệu, như vậy thì gia đình đấy chỉ được gọi có an toàn tài chính khi có 300 triệu tức là tương đương 12 tháng hoặc mức thấp hơn là 150 triệu tương đương 6 tháng. Để làm gì? Bởi vì rủi ro, các cháu thấy rồi qua dịch Covid này rủi ro nó xảy ra bất kì lúc nào, mà nếu chúng ta không có số tiền an toàn tài chính này, tiền phòng thân này thì rủi ro xảy ra chúng ta sẽ sống như thế nào.

Mục tiêu Độc lập tài chính, Độc lập tài chính là thế nào?

Các cháu lớn lên các cháu sẽ đi làm, người đi làm cà phê, làm quản lý, làm cho công ty, làm freelance, muốn làm gì các cháu cũng phải có kinh nghiệm. Chúng ta cứ đi làm suốt như vậy, còn chảy mồ hôi là còn có tiền. Nhưng mà cái quan niệm mới bây giờ là giới trẻ muốn về hưu sớm hơn, thay vì 60 tuổi hay 55 tuổi thì họ muốn về hưu lúc 50 tuổi, không phải là về hưu mà là họ muốn độc lập tài chính nghĩa là lúc đấy họ nhờ vào tiền đã làm ra và tiền tích lũy, họ có một số tiền lớn và số tiền đó tạo ra lãi đủ để họ sống cuộc sống bình thường mà họ không cần phải làm việc. Như vậy lúc đấy họ muốn làm việc cho vui thôi cũng được, không có bị áp lực tiền bạc. Thì đó là Độc lập tài chính, từ từ các cháu sẽ tìm hiểu cái đấy.

Thứ hai là kiếm tiền với hết tiềm năng, công suất của mình.

Khi các cháu còn trẻ, các cháu phải làm ra nhiều tiền, phải quý trọng thời gian của mình. Cái tiền mình làm ra, mình sử dụng tiền khôn ngoan và dư ra tiền đấy chúng ta đem đi đầu tư thì tài sản chúng ta sẽ lớn lên. Nó sẽ giúp chúng ta trước tuổi 50 có thể về hưu an nhàn, muốn được như vậy thì bây giờ chúng ta phải kiếm tiền hết tiềm năng và công suất của mình. Không thể là ngủ quên trên chiến thắng, hài lòng với những gì mình có.

Sử dụng tiền khôn ngoan.

Tiết kiệm rồi mới sử dụng tiền, theo thứ tự ưu tiên, theo sự quan trọng thiết yếu. Muốn dư tiền thì chúng ta phải tiết kiệm trước rồi mới sử dụng tiền, nghĩa là chúng ta vừa có thu nhập thì chúng ta lấy ra 10-15% đưa vào quỹ tiết kiệm , số còn lại chúng ta mới phân bổ vào các cái quỹ: thiết yếu, tiện nghi, giao tiếp…

Còn lại tiền thì lúc đó chúng ta vô thế là chỉ sử dụng tiền cho những mục đích quan trọng và cấp thiết thôi. Thành ra cách chú hướng dẫn Tiết kiệm trước. Bây giờ các cháu chưa làm ra tiền thì các cháu tiết kiệm bằng cách chỉ xài những gì quan trọng và cấp thiết thôi. Các cháu đừng vì bằng bạn bằng bè mà nói ba mẹ mua cho mình cái này cái kia, các cháu cố gắng suy nghĩ một chút xíu để cho mình biết trân trọng đồng tiền của bố mẹ. Thì thông qua những bài học chú muốn giúp các cháu có kiến thức để cháu có thể áp dụng ngay bây giờ trong gia đình và sau này quan trọng nhất là tương lai. Chúng ta phải biết sử dụng tiền nó hợp lý và khôn ngoan, chỉ sử dụng cho cái quan trọng và cấp thiết chứ không phải bởi vì chúng ta muốn. Thì chú cũng sẽ có buổi chia sẻ sau về những vấn đề này.

Bảo vệ tiền trước lạm phát, những rủi ro, vay tiêu dùng lãi suất cao, và những đầu tư thua lỗ. 

Tiền nó phải sinh sôi nảy nở cao hơn lạm phát. Với những rủi ro thì chúng ta phải biết cách mua bảo hiểm, dĩ nhiên phải biết cách mua những bảo hiểm. Không vay tiêu dùng lãi suất cao, chúng ta phải hạn chế, muốn mua hàng chúng ta cố gắng tiết kiệm rồi chúng ta cầm tiền mua, chứ chúng ta không cầm tiền của người khác mua rồi phải trả lãi suất, rồi chúng ta cầm tiền của những tổ chức cho vay tiêu dùng thì lãi suất nó cao lắm 60-80%. Đó là chưa kể chú không nói đến các app cho vay trên internet thì cái đấy rất là khủng khiếp, nó là phạm luật. Chú chỉ nói ngân hàng, các tổ chức cho vay tín dụng được Nhà nước cấp phép thì cũng đã 60-80% rồi. Nếu mà chúng ta cứ vướng vào đấy thì không bao giờ chúng ta giàu được hay khá được bởi vì tiền chúng ta làm ra không dư mà còn phải trả mức lãi suất như vậy thì làm sao mà giàu được. Cái nữa là các cháu phải hiểu biết về đầu tư để tránh đầu tư sai, tránh bị lừa đảo về đầu tư.

Đầu tư để tiền tích lũy sinh sôi theo thời gian.

Các cháu phải biết đầu tư để tiền tích lũy sinh sôi theo thời gian. Ví dụ các cháu bỏ heo, sau một thời gian các cháu mở ra bao giờ cũng sẽ ngạc nhiên sao tiền nhiều thế, chú nhớ là hồi trẻ chú luôn có cảm giác như vậy bởi vì là tích tiểu thành đại mà.

Nhưng tiền đó là chưa có sinh ra, đó mới là tiền mình tích lũy lại thôi, còn muốn tiền nó sinh ra mình phải đi gửi ngân hàng, cháu phải mua Trái phiếu hay Cổ phiếu. Thì tiền lúc đó mới sinh ra tiền, các cháu hay nghe chữ “Lãi kép”, thật ra lãi kép nghĩa là chúng ta đang tích lũy thì nó sinh ra lãi mà chúng ta không lấy lãi mà chúng ta vẫn để ở đó .

Ví dụ các cháu có 100 triệu, các cháu gửi ngân hàng lãi suất là 6% mỗi năm các cháu có 6 triệu, ba má các cháu làm vậy rồi lấy 6 triệu ra tiêu xài, như vậy nó không tạo ra được lãi suất kép, nó không có sinh sôi. Mà khi chúng ta còn trẻ, muốn tiền nó sinh sôi thì chúng ta gửi 100 triệu đấy các cháu để lại 6 triệu đó là 106 triệu, rồi nó sẽ sinh sôi theo lãi suất của 106 triệu đấy chưa kể mình có tiền dư là mình bỏ thêm vào là sẽ có hiệu ứng Lãi suất kép.Hiệu ứng này các cháu sẽ thấy là theo thời gian tiền nó sẽ tăng rất nhanh.

Việc đầu tư nói vậy chứ không có đơn giản đâu. Chú sẽ giảng sau cho các cháu từ từ từng bước để đầu tư vì sao mà nó sinh ra tiền. Lãi suất là gì, cách tính lãi suất. Rồi rủi ro là gì, tại sao đầu tư lại nói đến rủi ro, có những loại rủi ro gì, làm sao để tránh rủi ro, quản lý rủi ro. Thì chú sẽ từ từ giảng chứ còn trong hôm nay một buổi mà nhiều kiến thức quá thì không được. mà hôm nay bắt buộc phải nhiều rồi nhưng là tổng quát để các cháu hiểu về Quản lý tài chính cá nhân.

Đạt được mục tiêu tài chính. 

Khi chúng ta đầu tư tiền thì theo hời gian tiền sẽ sinh ra một số tiền lớn. Số tiền lớn này sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu tài chính, vừa là mục tiêu An toàn tài chính, Độc lập tài chính. Đó là toàn bộ cái bài chú muốn giảng cho các cháu ngày hôm nay.


Thân ái,
Lâm Minh Chánh/ Chú Ba Tài Chính


Bài viết được tôi chia sẻ trên trang Tài chính Cá nhân dành cho Thiếu niên – LMC ngày 23/10/2021: https://www.facebook.com/TaiChinhCaNhanDanhChoThieuNien/videos/582103157039349/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

spot_img

Đọc nhiều

Kết nối với tôi

Hãy gửi cho tôi email của bạn, để nhận thông báo về những bài viết mới nhất của tôi nhé!

Bài viết liên quan