Mời các bạn đọc bài hay xem clip về những phát biểu của tôi trong tọa đàm “Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ bứt phá!” nhân kỷ niệm 10 năm của Kênh Truyền hình Kinh Tế Tài chính VITV.
Anh Chánh nói sao mà ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nhìn anh “ngỡ ngàng, đắm đuối” thế? Sau khi có video và hình, các bạn VITV hỏi tôi như vậy.
Xem lại tôi cũng buồn cười. Chắc là ông Kyle ngạc nhiên khi thấy tôi đối thoại với các quan chức của Đảng và Nhà nước mà thẳng thắn đến chan chát như vậy.
Ý 1: TỐC ĐÔ TĂNG TRƯỞNG 6.6%/NĂM THÌ KHÔNG NÊN GỌI LÀ BỨT PHÁ.
Tôi nói hiện tại GDP trên đầu người của Việt Nam chỉ nằm ở mức 2,400 USD/người, chưa đến 1/2 của Thái Lan (khoảng USD 6,500/người) , 1/3 của Trung Quốc (khoảng USD 8,700/người), và chỉ mới 1/4 của Mã Lai (khoảng USD 9,900/người).
Nếu chỉ tăng trưởng ở mức 6.6% /năm thì Việt Nam mãi mãi nằm ở các nước nghèo, và ở chiếu dưới.
Tỷ lệ tăng trưởng 6.6% /năm là quá thấp không xứng với cụm từ kinh tế bứt phá.
Có ý này mà tôi quên chưa nói trong tọa đàm. Nếu áp dụng mức tăng trưởng 6.6%/năm, và giả sử dân số tăng trưởng 1%/năm, thì đến năm 2045, 100 năm kể từ 1945, thì GDP đầu người chỉ đạt 9,900 USD.
Còn nếu muốn đạt con số 18,000 USD/đầu người như mục tiêu của chính phủ, mà Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, giải trình với quốc hội na, thì GDP cần tăng trưởng 9.1%/năm, liên tục và đều đặn từ 2019 đến 2045.
Vì thế tôi nhấn mạnh: tốc đô tăng trưởng 6.6%/năm thì không nên dùng từ bứt phát.
Về từ bức phá của nghị quyết, thì một số quan chức nhà nước cho rằng bứt phá nghĩa là bứt phá về tư duy, tạo ra cột mốc, bứt mà không phá.
Nhưng tôi và một số người khác thì cho rằng, phá hết những rào cản để bứt lên.
Ý 2: DOANH NGHIÊP TƯ NHÂN CHƯA THỂ BỨT PHÁ NẾU NHÀ NƯỚC CHƯA THẬT SỰ COI DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN LÀ CỖ MÁY CHÍNH.
Ông Hoàng Trường Giang – Vụ trưởng vụ Kinh tế tổng hợp ban Kinh tế Trung ương nói rằng hiện nay Kinh tế Việt Nam đang chơi theo đội hình 4-4-2 (40% từ khối tư nhân, 40% từ khối doanh nghiệp Nhà nược, 20% từ khối ngoại FDI). Và đang từ từ chuyển sang 5-3-2 (50% từ DNtư nhân, 30% từ DN nhà nước, 20% từ khối ngoại FDI).
Tôi phản biện rằng, đối với các nước phát triển, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò là cỗ máy chính của nền kinh tế. Nhà nước làm chính sách và quản lý vĩ mô, chứ không làm kinh tế như Việt Nam. Khi nhà nước trực tiếp quản lý các doanh nghiệp nhà nước, thì các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa có một sân chơi bình đẳng. Các doanh nghiệp tư nhân – con nuôi, sẽ không thể trở thành cỗ máy chính khi các doanh nghiệp nhà nước – con ruột còn ở đó.
Về mặt vĩ mô mà nói thì doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả bằng doanh nghiệp tư nhân. Cùng tạo ra 1 kết quả về doanh số, về lượng lạo động thì doanh nghiệp nhà nước chiếm nhiều nguồn lực hơn doanh nghiệp tư nhân, rất nhiều. Có thể gấp 3 lần, 5 lần hay 10 lần, nếu tính hết nguồn lực nổi và chìm. Đó là chưa kể những vấn đề về tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy chuyển nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước qua doanh nghiệp tư nhân, thì kinh tế Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn nhiều.
Ông Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Kinh Tế Quốc hội , có đưa ra 1 số ví dụ về doanh nhân tư nhân đã hoàn toàn “thống lĩnh” thị trường.
Theo tôi thì ông đã dùng thủ thuật Cherry picking, tức là ông chỉ lấy ra những ví dụ có lợi cho quan điểm của ông. Vì nếu nhìn toàn cảnh, thì các doanh nghiệp nhà nước vẫn có trấn giữ nhiều ngành lớn, chiếm phần khá lớn của GDP.
Ông Kiên cũng có nói rằng Tư nhân làm được gì thì Nhà nước sẽ không làm nữa. Tôi thì nghĩ rằng Tư Nhân làm được hết. Nghĩa là nếu Nhà nước chỉ giữ lại những doanh nghiệp có tính quan trọng đến quốc phòng, chính trị, những doanh nghiệp phục vụ công chúng như y tế, giáo dục, và buông phần còn lại thì doanh nghiệp tư nhân sẽ làm được hết.
Nói tóm lại để nền kinh tế nước nhà phát triển, theo ý tôi, nhà nước nên thật sự xem kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp là cỗ máy quan trọng của nền kinh tế.
Ý 3: STARTUP CHƯA THẬT SỰ ĐƯỢC HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC.
Phần này thì thiếu thời gian nên em Điều phối viên xinh đẹp Phương Chi chưa kịp hỏi như kịch bản. Nhưng tôi xin 1 phút để nói thay cho các thành viên của Group QTvKN, cũng như các startup miền nam.
Tôi nói ý chính như nhau: Chính phủ chúng ta đang thúc đẩy Khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp dạng Startup. Nhưng thật sự thì khi triển khai xuống, gần như chưa có gì rõ ràng. Startup thì ở đâu cũng phải bản lãnh, phải biết bơi, không biết bơi thì chìm. Nhưng ở các nước, cụ thể là Singapore, Trung Quốc…chính phủ họ tạo ra được một hệ sinh thái, một bệ đỡ vững chắc cho các Startup. Còn ở Việt Nam, các ngành, các địa phương vẫn chưa thật sự làm được điều đó. Mọi thứ có vẻ phong trào nhiều hơn là thực chất.
** Chúc mừng VITV đài truyền hình kinh tế tài chính đã tổ chức một tọa đàm chất nhân dịp kỹ niệm 10 năm thành lập. Nhiều diễn giả chất. Người tham dự tại toạ đàm và online chất. Và đặc biệt là Điều phối viên, thuyền trưởng Bùi Thị Phương Chi, cũng cực chất!
Thân ái,
Lâm Minh Chánh
Bài viết được tôi chia sẻ trên trang Facebook cá nhân ngày 21/03/2019: https://www.facebook.com/LamMinhChanh/videos/2142361949184618/