Tự sự ngày 30/4

Trước 30/4/1975, gia đình tôi ở thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định. Hiệu may Toàn Mỹ chuyên may áo dài của nhà tôi nằm ngay giữa chợ Phú Phong hồi ấy. Thời ấy, sáng nào cũng có 1 đoàn xe tăng và binh sĩ từ thị trấn chạy ầm ầm qua Kiên Mỹ, tức là phía bên kia của cầu sông Côn, nơi có bảo tàng của vua Quang Trung. Đến chiều thì đoàn xe tăng và binh sĩ này lại quay về thị trấn và huyện, đúng như câu “ban ngày Quốc gia, ban đêm Cộng Sản”. Lâu lâu ở thị trấn lại có tiếng lựu đạn nổ và cảnh Cảnh sát, tự vệ địa phương đi lùng kiếm “Việt cộng”. Ký ức chiến tranh đối với tôi cũng chỉ nhẹ nhàng như thế.

Cho đến tháng 3/1975, chiến tranh đã đến thật gần với Tây sơn của chúng tôi. Bom đạn nổ liên tục. Cả thị trấn dáo dác, sợ hãi. Tôi còn nhớ cảnh ba má tôi đi gởi anh chị em tôi núp bom, đại bác dưới cầu thang lầu nhà của chị Nguyệt. Ba má tôi nghĩ rằng nhà bê tông đúc có thể giúp bảo vệ các con của mình.
 
Rồi cả nhà tôi và mấy gia đình dòng họ bồng bế nhau từ Phú Phong xuống Quy Nhơn tá túc nhà cô Bốn. Được 1 tuần, bom đạn lại ập đến, gia đình dòng họ chúng tôi lại đi vào Nha Trang nơi có nhà bác Sáu, cô Bảy. (Ba tôi thứ tám, hay được gọi là ông Tám Trung). Chuyến đi không dễ dàng vì phải giành giựt nhau xe, phải tránh đạn lạc…Đến giờ tôi vẫn không hình dung được làm sao mà ba má tôi cũng vừa mới qua 30, có thể lo cho 6 đứa con trong đó có em Nga mới vừa 1 tuổi đi một đoạn đường xa và đầy loạn lạc như thế.
 
Ở Nha trang, không khí bình yên hơn, ít nghe tiếng bom đạn hơn. Nhiều người tin rằng, Nha Trang bình yên qua các cuộc chiến tranh, chỉ duy nhất bị 1 cái bom ngay cầu Hà Ra vì được “Bà” đỡ. Các bạn có thể google tháp Bà Po Nagar để biết thêm. Mà đất Nha Trang lành thật. Những cơn bão lớn nhất, được dự báo sẽ đến Nha Trang cuối cùng cũng chuyển hướng.
 
Và thế là tôi ở Nha trang, đi học tại trường Lasan, sau 75 gọi là trường Tân Lập 1. Cái thằng tôi lóc nhóc, quê Bình Định cố quên bạn cũ để hoà nhập với bạn mới, chốn đô thành. Tôi nhớ hoài hôm ấy cô Loan lớp 4 hỏi điểm 2 bài toán để vào sổ. Tôi tự hào “Mừ mừ”. Cả lớp cười ồ. Chợt hiểu ra, ở Nha trang phải nói là “Mười mười” mới đúng. Tôi quê đỏ mặt, nhưng nhất quyết không bỏ tiếng Bình Định của mình. Sau này tiếng của tôi pha trộn “Bình định + Nha Trang + Sài Gòn” ai quê ở Bình Định, Nha Trang nghe tôi nói sẽ nhận thấy chất giọng BĐ, NT.
 
Thời gian 75-85, như bao gia đình khác, nhà tôi sống rất vất vả. Ba tôi rất giỏi, rất nhanh, ông xoay đủ nghề để lo cho 7 đứa con. Nhà tôi cũng khá hơn nhiều nhà hành xóm, thế nhưng vẫn đói, vẫn thiếu thốn. Như có lần tôi kể, tôi được ba má cưng cho ăn ly chè đen đá, vừa ăn vừa sợ hết. May mà tuổi trẻ ham chơi, ham học nên thời gian qua mau.
 
Ở nhà thì đói, lên trường thì nghe các thầy cô giảng về sức mạnh của phe XHCN. Tin lắm. Phe TBCN đứng đầu là “đế quốc Mỹ” sẽ nhanh chóng sụp đổ vì họ bóc lột nhân dân. Tương lai sẽ tươi sáng. Lý thuyết thì thế nhưng thực tế thì khác quá. Có một lần trong lớp địa lý, tôi thấy số liệu tiêu thụ Điện năng của Mỹ hơn gấp 20 lần so với Liên xô. Tôi hỏi cô tại sao như vậy, vì lúc ấy dù còn nhỏ tôi cũng biết rằng chỉ số tiêu thụ Điện phản ánh được nhiều thứ quan trọng: nền kinh tế, công nghiệp, sự giàu có…Cô không trả lời đúng câu hỏi của tôi mà lần quần chuyển câu trả lời từ địa lý thế giới qua chính trị…
 
Càng lớn tôi càng được tiếp nhận những thông tin khác để có cái nhìn rõ hơn về cả hai bên. Tôi không còn tin vào XHCN như thời học sinh cấp 2, cấp 3 nữa. Tuy vậy tôi luôn yêu quê hương. Hồi ấy làn sóng vượt biên nổi lên mạnh mẽ. Có người vượt biên để tỵ nạn chính trị, vì bị cải tạo tư sản, công thương, vì bất đồng ý kiến. Có người vượt biên vì tỵ nạn kinh tế, vì đói nghèo. Nhưng vượt biên cũng có số. Chị tôi vượt biên 3 lần đều không thành công. Em trai tôi đi 1 lần, dù rất khó khăn thậm chí sém mất mạng nhưng đã đến được trại Phi và định cư Canada năm 86, 87. Nhiều bạn của tôi mất mạng trên biển, nhiều câu chuyện rất đau thương, ám ảnh.
 
Riêng tôi không vượt biên. Ngay khi có cơ hội đi Mỹ cùng Kodak năm 1996, và sau đó cả hai vợ chồng cùng du học Úc 1997 – 1999 tôi vẫn muốn trở về Việt Nam, mảnh đất quê hương. Đã có lúc tôi hối hận về lựa chọn này, nhưng về cơ bản, tôi tự hào và hạnh phúc đã lựa chọn sống và làm việc tại Việt Nam.
 
Tự sự còn dài, hôm nào tôi viết tiếp. Tôi chỉ không hiểu tại sao người Việt thù hận nhau dai thế. Mỹ Nhật đánh giết nhau ầm ầm và sau hơn 10 năm đã trở thành bạn bè, đồng minh. Cùng là người Việt, chúng ta cứ phải đối nghịch. Có một số cố gắng hoà giải từ một số người của hai bên nhưng thật sự vẫn còn những hố ngăn cách. Ngăn cách sâu thẳm ấy thể hiện ngay ở cách hai bên gọi gọi hay kỷ niệm ngày 30/4. Một bên gọi là “ngày giải phóng”, một bên gọi là “ngày quốc hận”.
 
Đã 42 năm rồi!!!
Như đã nói nhiều lần, tôi đơn giản là một người yêu cuộc sống, yêu quê hương. Tôi sẽ sống, sẽ làm hết sức mình để giành “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” cho cá nhân mình, gia đình mình, người thân, và có thể cho bạn bè, cộng đồng của mình.
 

^^ Hình có vẻ không liên quan đến nội dung. Tôi chọn hình này vì hình diễn tả được một phần của tôi, và để giới thiệu dịch vụ chụp hình chân dung, avatar của Loan Huynhthu một người em, một học viên lớp CEO Khởi nghiệp SG2 của Group Quản Trị và Khởi Nghiệp.

Status sau sẽ giới thiệu kỹ hơn. Hình mới chụp tháng 4/2017. Nhưng hình như các em photoshop có quá tay 1 chút


Thân ái,
Lâm Minh Chánh


Bài viết được tôi chia sẻ trên trang facebook cá nhân ngày 30/04/2017: https://www.facebook.com/LamMinhChanh/posts/1352148434872644

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

spot_img

Đọc nhiều

Kết nối với tôi

Hãy gửi cho tôi email của bạn, để nhận thông báo về những bài viết mới nhất của tôi nhé!

Bài viết liên quan