Quyền được viết!

Cuộc đời đưa đưa đẩy đẩy, tôi từ một người quản lý thay mặt công ty trả lời báo chí, tivi trở thành chuyên gia, doanh nhân viết bài trên các báo kinh tế, tài chính, rồi chuyển qua viết Facebook hồi nào không hay.

Sự nghiệp viết Facebook của tôi, cũng không hẳn là suông sẻ. Lâu lâu lại có người, thân có sơ có, nhắc “Chánh viết phản biện xã hội cũng được đó. Nhưng nhớ “tiết chế”. Tôi vẫn phải thường xuyên tự tuyên bố tôi là người yêu nước, viết bài để phản biện xã hội, chứ hoàn toàn không có ý gì khác.

Thỉnh thoảng tôi “mất” một số job viết bài PR, một số cơ hội hợp tác kinh doanh vì họ ngại tôi. Có brand còn đề nghị tôi không viết phản biện sẽ ký hợp đồng. Nhưng không viết thì cũng khó quá. Nó không đúng con người của tôi. Và dẫu sao thì tôi và tất cả công dân đều có quyền được viết.

Tôi viết cả chuyện tốt và chuyện xấu, chuyện tích cực và chuyện tiêu cực. Thật lòng, tôi mong Việt Nam bớt tham nhũng, bớt chuyện trái tai gai mắt để Facebook của tôi chỉ toàn chuyện vui.

Sẵn ngày nhà báo 21/6, tôi chia sẻ lại 1 trong những bài tôi viết của tôi trên Báo Kinh Tế Sài Gòn tháng 10-2005. (Rất tiếc là báo KTSG thay đổi lay out làm mất hết bài cũ).

Bài này nói về cái sự GIẢ. Sau 17 năm, xã hội Việt nam còn GIẢ bạo hơn!


GIẢ

Tôi và bạn chơi tennis của tôi, giám đốc một công ty tin học, xách vợt đi tranh giải vô địch tennis dành cho doanh nhân và giám đốc với mục đích giao lưu với giới doanh nhân mê tennis và nếu có thể thì… đoạt giải. Phần vì ham vui, phần vì chúng tôi cũng khá tự tin với khả năng của mình. Vòng loại gồm bốn đội mỗi bảng, thi đấu vòng tròn, ba trận thì hai trận gặp cũng doanh nhân giám đốc như tôi – thắng một cách cực nhọc, một trận gặp giám đốc đứng cặp với Triển Chiêu – thua một cách dễ dàng. (Triển Chiêu là tiếng anh em doanh nhân ngoài Bắc gọi những tay vợt chuyên nghiệp được các giám đốc mời về đứng chung cặp. Nếu như trong phim Triển Chiêu múa kiếm hộ vệ cho Bao đại nhân, thì các Triển Chiêu tennis lại múa vợt bảo vệ phần sân của các giám đốc).

Vô tứ kết đấu loại trực tiếp gặp hai tay vợt chuyên nghiệp – chúng tôi thua cấp kỳ luôn. Hai tay vợt này thắng tiếp trận bán kết và sau đó đoạt luôn ngôi vô địch. Sau đó, ngồi nói chuyện với anh T. – chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh dụng cụ chơi tennis – mới biết đây là hai tay vợt trong số gần 10 tay vợt do anh hỗ trợ và quản lý. Tôi thật sự nể anh T. về khả năng xây dựng nhãn hiệu thông qua nhóm chuyên nghiệp này. Có điều hơi buồn là tự nhiên mình thành người “làm nóng” cho các tay vợt chuyên nghiệp.

Nhưng điều làm tôi suy nghĩ nhiều hơn là về những giám đốc có Triển Chiêu hộ vệ. Không biết nếu các giám đốc đó thắng giải thì liệu họ có vui không? Khi nhận cúp, họ có hiểu đó là vinh dự GIẢ không?

Hình như chúng ta sống với sự GIẢ hơi “bị” nhiều. Bao nhiêu chuyện GIẢ quanh ta:

Tỷ lệ học sinh được xếp loại giỏi: GIẢ. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp đại học: GIẢ. Tuổi của các vận động viên tuổi thiếu nhi: GIẢ. Tiếng còi của một số trọng tài bóng đá: GIẢ. Xếp hạng của một số đội bóng: GIẢ. Bằng cấp của một số quan chức: GIẢ. Một số dự án được đấu thầu: GIẢ. Phê bình của một số quan chức cấp cao đối với quan chức thấp: GIẢ. Đạo đức và thu nhập của các quan chức tham nhũng: GIẢ.

Tệ hơn là có một số người lớn làm công tác giáo dục lại dạy cho các em biết GIẢ ngay từ nhỏ. Mục “Chuyện thường ngày” trên báo Tuổi Trẻ kể rằng: Ngành giáo dục bắt học sinh phải làm kế hoạch nhỏ 5 ký giấy vụn. Không thể nào lượm đủ số lượng giấy lớn như vậy. Các em ra các vựa ve chai để mua đủ 5 ký. Nhận đủ 5 ký ve chai “kế hoạch nhỏ” xong, người lớn lại kêu các vựa ve chai vào để bán… Vậy là nhà trường được chỉ tiêu thi đua về kế hoạch nhỏ, lại được tí “quỹ” để hoạt động. Riêng các em thì học được cách làm GIẢ từ tuổi còn thơ.

Cách đây vài năm, một người bạn nhỏ của tôi đạt được học bổng. Có tờ báo nọ viết về tấm gương của cậu theo môtip: “con nhà nghèo học giỏi”. Sau khi đọc xong câu chuyện viết về mình và gia đình, cậu bé mắc cỡ với bạn bè: bộ nhà mình nghèo đến mức vậy sao?

Doanh nhân nọ thành công vang dội, được đài truyền hình phỏng vấn. Những câu chuyện thành công anh kể đều gần với sự thật và đáng học hỏi. Duy nhất chỉ có câu chuyện dựng nghiệp của anh ta và sự hỗ trợ vốn ban đầu của người bà con tốt bụng là GIẢ nhằm tạo ra câu chuyện xúc động về “tay trắng lập nghiệp”.

Hôm nọ tôi và một anh bạn doanh nhân tình cờ gặp một anh bạn doanh nhân khác vừa đoạt được một giải thưởng khá cao quý về thành tích kinh doanh. Anh bạn đi cùng tôi vồn vã bắt tay anh doanh nhân nọ và chúc mừngrối rít. Sau khi anh kia đi, anh bạn tôi hạ giọng: “Chịu khó chạy chọt, bỏ mớ tiền là có giải ngay thôi!”. Tôi sững người vì sự thay đổi quá nhanh của bạn tôi. Không có đủ thông tin để cải chính cho giải thưởng danh giá đó, tôi đành im lặng và nghĩ bụng có thể anh ganh tị nên nói vậy. Tôi trách bạn: “Vậy sao anh chúc mừng dữ quá vậy. Anh “khéo” ghê! Ý tôi muốn nói là tại sao anh lại cư xử GIẢ như vậy? Vậy mà anh lại hiểu sai ý tôi, và nghĩ rằng tôi khen anh ta “khéo” khen nên tỏ ra đắc ý lắm. Bỗng nhiên tôi khó chịu với chính mình: “Tôi sợ va chạm với bạn hay tôi cũng đang cư xử GIẢ!”.

Thân chúc tất cả các nhà báo, kể cả những người viết blog, viết trên web, viết Facebook luôn mạnh khỏe để viết! Chúng ta có quyền được viết!


Thân ái,
Lâm Minh Chánh


Bài viết được tôi chia sẻ trên trang Facebook cá nhân ngày 21/06/2022: https://www.facebook.com/LamMinhChanh/posts/5234270596660389

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

spot_img

Đọc nhiều

Kết nối với tôi

Hãy gửi cho tôi email của bạn, để nhận thông báo về những bài viết mới nhất của tôi nhé!

Bài viết liên quan