Phần 2. Tại sao Doanh nghiệp lại chia cổ tức bằng cổ phiếu? Và tác động của việc này đối với giá tham chiếu của cổ phiếu, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Tại sao Doanh nghiệp lại chia cổ tức bằng cổ phiếu? Và tác động của việc này đối với giá tham chiếu của cổ phiếu, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

TRƯỜNG HỢP 2: DOANH NGHIỆP CHIA CỔ TỨC BẰNG CỔ PHIẾU

Bà Ngoại: Chia cổ tức bằng cổ phiếu, nghe lạ quá. Doanh nghiệp lấy cổ phiếu ở đâu ra mà chia?

Chú Ba: Bà ngoại quá siêu về tài chính rồi. Để đơn giản hóa vấn đề, bà ngoại hình dung quy trình tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu như sau. Trước hết doanh nghiệp phát hành thêm một lượng cổ phiếu, và sau đó dùng lợi nhuận giữ lại để mua số cổ phiếu phát hành đó với mệnh giá, rồi chia số cổ phiếu đó cho cổ đông theo tỷ lệ đã được Đại hội đồng Cổ đông duyệt.

Ví dụ doanh nghiệp niêm yết CDE.

Trước ngày chia cổ tức bằng tiền, doanh nghiệp CDE có 800.000.000 cổ phần.

Vốn cổ phần = 800 triệu cổ phần * 10.000 VNĐ/cổ phần = 8.000 tỷ VNĐ.

Thặng dư vốn = 2.000 tỷ VNĐ.

Lợi nhuận giữ lại = 5.000 tỷ VNĐ.

Vốn chủ sở hữu = 8.000 tỷ VNĐ + 2.000 tỷ VNĐ + 5.000 tỷ VNĐ = 15.000 tỷ VNĐ.

Giá cổ phiếu CDE trước khi chia: 45.000 VNĐ/cổ phần.

Vốn hóa (giá trị thị trường) của doanh nghiệp CDE = 800 triệu cổ phần * 45.000 VNĐ/cổ phần = 36.000 tỷ VNĐ.

Doanh nghiệp CDE quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Có nghĩa là 10 cổ phiếu được hưởng 2 cổ phiếu.

Như vậy số cổ phần cần sử dụng để chia cổ tức là = 800 triệu * 20% = 160 triệu cổ phần.

Doanh nghiệp sẽ dùng lợi nhuận giữ lại để mua số cổ phiếu này.

Số tiền cần dùng = 160 triệu cổ phần * 10.000 VNĐ/cổ phần = 1.600 tỷ VNĐ.

Như vậy, lợi nhuận giữ lại sẽ giảm còn = 5.000 tỷ VNĐ – 1.600 tỷ VNĐ = 3.400 tỷ VNĐ.

Tổng số cổ phần tăng lên = 800 triệu + 160 triệu = 960 triệu cổ phần.

Vốn cổ phần tăng lên = 960 triệu cổ phần * 10.000 VNĐ/cổ phần = 9.600 tỷ VNĐ.

Vì tiền từ Lợi nhuận giữ lại chuyển qua Vốn cổ phần, cả hai tài khoản này vẫn thuộc về Vốn chủ sở hữu nên giá trị vốn chủ sở hữu sẽ không đổi.

Vốn chủ sở hữu = 9.600 tỷ

VNĐ + 2.000 tỷ VNĐ + 3.400 tỷ VNĐ = 15.000 tỷ VNĐ.

Bà Ngoại: Trường hợp nào thì doanh nghiệp sẽ chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu?

Chú Ba: Doanh nghiệp chọn hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ đạt được những lợi ích sau đây:

• Giúp doanh nghiệp giữ lại được nguồn vốn để tái đầu tư mở rộng kinh doanh, tái đầu tư vào dự án dài hơn để tăng trưởng trong dài hạn.

• Trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp tăng số lượng cổ phiếu được lưu hành, gián tiếp tăng tính thanh khoản của cổ phiếu đó.

• Làm giảm thị giá của cổ phiếu thu hút nhà đầu tư.

Bà Ngoại: Bên trên thằng Ba nói rằng nếu chia cổ tức bằng tiền mặt thì doanh nghiệp làm giảm đi vốn chủ sở hữu và vì thế giảm đi phần nào áp lực về ROE – Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Hội đồng quản trị và Ban Điều hành. Còn chia cổ tức bằng cổ phiếu thì đâu có làm giảm vốn chủ sở hữu.

Chú Ba: Dạ. Nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu thì vốn chủ sở hữu không giảm. Các doanh nghiệp đang trong chu kỳ tăng trưởng, kinh doanh hiệu quả, ROE – tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao sẽ chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu để ưu tiên giữ tiền lại trong doanh nghiệp dùng cho việc tái đầu tư.

Bà ngoại: Như vậy, ngay sau khi chia mỗi cổ đông có thêm 20% cổ phiếu. Cổ đông có 100 cổ phiếu này sẽ sở hữu 120 cổ phiếu. Cổ đông có 1.000 cổ phiếu này sẽ sở hữu 1.200 cổ phiếu.

Chú Ba: Dạ đúng. Nhưng cũng như trường hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu, giá tham chiếu sẽ giảm tương ứng và cổ đông sẽ không có lợi nhuận gì ngay sau khi được tuyên bố chia thêm cổ phiếu.

Vốn hóa của doanh nghiệp là không thay đổi, vẫn là 36.000 tỷ VNĐ

Tổng số cổ phần lúc này là 960 triệu cổ phần.

Vậy giá tham chiếu của cổ phiếu CDE ngày GDKHQ là

= 36.000 tỷ VNĐ / 960 triệu cổ phần = 37.500 VNĐ/ cổ phần.

Bà Ngoại: Ngoại hiểu rồi. Cái bánh vẫn là cái bánh. Nhưng bây giờ chia làm nhiều phần hơn. Giá trị của mỗi phần chia nhỏ đi, nhưng tổng cái bánh vẫn không đổi và phần của mỗi người vẫn không đổi.

Chú Ba: Dạ đúng rồi ngoại.

• Tối ngày trước thì một cổ đông nào đó sở hữu 10 cổ phần sẽ có giá trị là = 10 cổ phần * 45.000 VNĐ/cổ phần = 450.000 VNĐ.

• Đầu phiên giao dịch của ngày GDKHQ, người đó sẽ sở hữu 12 cổ phần, có giá trị là = 12 cổ phần * 37.500 VNĐ/cổ phần = 450.000 VNĐ. Tức là đúng bằng giá trị của ngày hôm trước.

Bà Ngoại: Giờ thì ngoại hiểu rồi.

Chú Ba: Dạ. Giả sử, sau 1 ngày giao dịch, từ giá tham chiếu là 37.500 VNĐ, cuối ngày giá đóng cửa của cổ phiếu CDE là 38.000 VNĐ.

Bà Ngoại: Vậy tỷ suất lợi nhuận của ngày GDKHQ là bao nhiêu thằng Ba.

Chú Ba: Dạ khi tính tỷ suất lợi nhuận thì mình lấy giá mới nhân cho (1+20%), để thể hiện số cổ phiếu được chia.

Như vậy tỷ suất lợi nhuận của CDE trong ngày GDKHQ = (((38.000*(1+20%)) – 45.000)) / 45.000 = 1,33%

Bà Ngoại: Mình phải dùng giá đóng cửa điều chỉnh để thể hiện tỷ suất lợi nhuận này chứ.

Chú Ba: Dạ đúng. Vì trên bảng giá lịch sử không thể hiện số cổ phiếu cổ tức này, nên bắt buộc chúng ta phải dùng giá đóng cửa điều chỉnh.

Cách tính như sau. Chúng ta lấy giá đóng cửa của ngày GDKHQ chia cho (1+1,33%)

Giá đóng cửa điều chỉnh của ngày trước = 38.000 / (1+1,33%) = 37.500 VNĐ.

Chúng ta kiểm tra lại:

Giá đóng cửa điều chỉnh ngày trước = 37.500 VNĐ.

Giá đóng cửa hôm nay = 38.000 VNĐ.

Tỷ suất lợi nhuận = (38.000 – 37.500) / 37.500 = 1,33%.

Bà Ngoại: Nhưng chia cổ tức bằng cổ phiếu thì không có lợi cho cổ đông lắm?

Chú Ba: Dạ, đối với cổ đông đầu tư dài hạn thì tài sản không đổi. Nhưng họ không thích lắm, vì số cổ phiếu chia thêm không về liền tài khoản. Lý do là doanh nghiệp phải hoàn thành các thủ tục niêm yết. Thông thường nhà đầu tư phải đợi ít nhất từ 1 đến 2 tháng, thậm chí có trường hợp cá biệt lên đến 3, 4 tháng, sau khi doanh nghiệp chia cổ tức thì cổ phiếu mới về tài khoản và khi đó mới có thể giao dịch, mua bán được. Ngoài ra khi doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ tạo ra những cổ phiếu lẻ. Nhà đầu tư không thích vụ này.

Một số nhà đầu tư lướt sóng, ngắn hạn có xu hướng tránh không mua cổ phiếu trong thời gian chốt danh sách cổ tức cổ phiếu. Tuy vậy, một số nhà đầu tư tin rằng các doanh nghiệp chia cổ tức cổ phiếu thường có xu hướng tăng giá ngay trong ngày GDKHQ. Họ canh để mua trước để đón được lợi nhuận từ việc tăng giá đó.

** Bài này nằm trong cuốn sách “Đầu tư chứng khoán: chơi trò may rủi hay tích lũy tài chính”.

Nếu các bạn hưởng ứng (thể hiện qua số tương tác: like, comment), tôi sẽ chia sẻ tiếp các trường hợp phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược…


Thân ái
Lâm Minh Chánh


» Các bạn xem lại Phần 1 tại đây nhé!  Tại sao Doanh nghiệp lại chia cổ tức bằng cổ phiếu? Và tác động của việc này đối với giá tham chiếu của cổ phiếu, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp

» Bài viết được tôi chia sẻ trên trang facebook cá nhân ngày 6/1/2023: https://www.facebook.com/LamMinhChanh/posts/5816897141731062

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

spot_img

Đọc nhiều

Kết nối với tôi

Hãy gửi cho tôi email của bạn, để nhận thông báo về những bài viết mới nhất của tôi nhé!

Bài viết liên quan