Bài 1. Bà ngoại hỏi, chú Ba đáp về Chứng chỉ Quỹ Đầu tư.

Bà ngoại hỏi, chú Ba đáp về Chứng chỉ Quỹ Đầu tư.

** Bà ngoại: Chú Ba ơi, giải thích cho ngoại về “chứng chỉ quỹ đầu tư” để ngoại tìm hiểu với. Có mấy người bạn hàng xóm đang muốn đầu tư vào chứng chỉ quỹ.

Chú Ba: Dạ, theo luật chứng khoán thì “Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản tài chính khác. trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ. Các quỹ đầu tư chứng khoán đều hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và hạn chế rủi ro tối đa cho người góp vốn.”

** Bà ngoại: Ngoại chưa hiểu rõ. Chú Ba giải thích thêm cho Ngoại nhen.

Chú Ba: Các công ty quản lý quỹ đầu tư, với sự phê duyệt và quản lý của Uỷ Ban Chứng khoán, sẽ thành lập các quỹ đầu tư chứng khoán. Quỹ đầu tư mà ngoại quan tâm là quỹ đầu tư công chúng. Quỹ sẽ kêu gọi vốn từ công chúng bằng cách bán ra các chứng chỉ quỹ với mệnh giá là 10,000 VNĐ. Người dân tin tưởng sự quản lý của quỹ thì sẽ mua chứng chỉ quỹ, tức là góp vốn vào quỹ quỹ đầu tư.

Quỹ được quản lý bởi các chuyên gia quản lý quỹ chuyên nghiệp, sẽ tiến hành đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu theo tiêu chí đặt ra của quỹ.

Giá trị ròng (Net Asset Value) của chứng chỉ quỹ thời gian đầu tiên là 10.000 đồng. Theo thời gian, vì giá cổ phiếu lên xuống, và vì quỹ được nhận cổ tức từ cổ phiếu, trái tức từ trái phiếu, mà giá trị ròng của quỹ sẽ thay đổi. Dẫn đến giá trị ròng của chứng chỉ quỹ thay đổi. Nhiệm vụ của Quỹ là đầu tư làm sao cho giá trị ròng của chứng chỉ quỹ tăng theo thời gian, nhằm đạt được tỷ suất lợi nhuận mục tiêu và hạn chế rủi ro.

** Bà Ngoại: Vậy quỹ đóng là sao? Quỹ mở là sao?

Chú Ba: Dạ quỹ đóng (Closed-End Fund) là quỹ không cho phép nhà đầu tư bán lại chứng chỉ quỹ cho quỹ, mà nhà đầu tư mua qua bán lại như cổ phiếu trên sàn niêm yết vậy.

Còn quỹ mở (Open-End Fund) cho phép nhà đầu tư bán lại chứng chỉ quỹ cho quỹ đầu tư. Và theo quy định thông thường thì quỹ phải có tránh nhiệm mua lại chứng chỉ quỹ từ nhà đầu tư với giá bằng giá trị ròng NAV của chứng chỉ quỹ. Dĩ nhiên nhà đầu tư phải trả phí quản lý, phí mua/bán và thuế.

** Bà Ngoại: vậy Quỹ có thể trục lời bằng cách thông báo không đúng về giá trị ròng NAV của chứng chỉ quỹ.

Chú Ba cười: Dạ chuyện đó gần như không thể xảy ra. Thứ nhất thứ nhất quỹ đầu tư là những tổ chức tài chính uy tín. Thứ hai: Các quỹ này đều có ngân hàng giám sát chặt chẽ, và phải báo cáo đến Ủy Ban Chứng khoán và công khai hàng tuần, hàng tháng. Thứ ba: Nếu Quỹ đưa giá trị ròng lên cao thì nhà đầu tư bán CCQ sẽ lợi. Còn nếu đưa giá trị ròng xuống thấp thì nhà đầu tư mua CCQ sẽ lợi. Chung cuộc, quỹ không lợi gì từ việc nâng hay hạ Giá trị ròng. Lợi ích chính của quỹ là phí quản lý quỹ và phí giao dịch.

** Bà ngoại: Ngoại thấy nhiều quỹ quá, nào là quỹ cổ phiếu hàng đầu, quỹ cố phiếu tăng trưởng, quỹ trái phiếu, quỹ cân bằng…

Chú Ba: Dạ, về cơ bản có loại chứng chỉ quỹ như sau

Chứng chỉ quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào cổ phiếu. Có quỹ chuyên đầu tư vào các loại cổ phiếu hàng đầu. Có quỹ chuyên đầu tư vào các cổ phiếu có vốn hóa cao, lại có quỹ đầu tư vào cổ phiếu có vốn hóa trung bình. Vì chỉ toàn cổ phiếu nên tỷ suất lợi nhuận của các quỹ này không ổn định,ví dụ có năm 20%, có năm 5%, có năm -10%, có năm 30%. Vì thế quỹ cổ phiếu chỉ phù hợp cho nhà đầu tư chấp nhận rủi ro trong ngắn hạn để đạt tỷ suất lợi nhuận cao, 12% – 18%/năm, trong dài hạn. Nhà đầu tư cá nhân, không chuyên nghiệp, không hiểu sâu về cổ phiếu, nên mua các loại CCQ này. Nhưng cũng phải biết chọn quỹ hiệu quả.

Chứng chỉ quỹ trái phiếu chuyên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, chứng chỉ tiền gởi và các loại sản phẩm tài chính có thu nhập ổn định. Trong khi các quỹ cổ phiếu thường đặt mục tiêu đạt TSLN bình quân cao hơn chỉ số VnIndex, thì các quỹ trái phiếu đạt mục tiêu có tỷ suất lợi nhuận ổn định và cao hơn cao hơn lãi suất của 4 ngân hàng hàng đầu. Chứng chỉ quỹ trái phiếu phù hợp với nhà đầu tư chấp nhận rủi ro thấp, và vì thế tỷ suất lợi nhuận vừa phải, 7% – 9%/năm.

Chứng chỉ quỹ cân bằng sẽ pha trộn 50% cổ phiếu, 50% trái phiếu, hoặc 30% cổ phiếu, 70% trái phiếu hoặc 80% cổ phiếu, 20% trái phiếu. Tỷ lệ này tùy theo tiêu chí của từng quỹ. Nhờ sự pha trộn này mà quỹ cân bằng có độ rủi ro, và tỷ suất lợi nhuận bình quân thấp hơn quỹ cổ phiếu, cao hơn quỹ trái phiếu.

** Bà ngoại: Chú Ba ơi, trái phiếu đơn giản hơn cổ phiếu. Mệnh giá cố định, lãi suất ổn định, bà ngoại cứ thế mà mua tại các ngân hàng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu, chứ sao lại mua chứng chỉ quỹ đầu tư chi cho phức tạp vậy.

Chú Ba: Dạ không đâu ạ. Trái phiếu có rủi ro của nó mà nhà đầu tư cá nhân, công chúng bình thường không thể thẩm định được. Nếu không biết chọn trái phiếu, thì nhà đầu tư dễ dính các quả đắng như trái phiếu Tân Hoàng Minh, An Đông. Các quỹ đầu tư họ đủ chuyên nghiệp để thẩm định và chọn những trái phiếu doanh nghiệp có độ rủi ro thấp nhất có thể. Chẳng những thế, với số tiền lớn, họ có thể đa dạng hóa để giảm rủi ro của cả danh mục, cả quỹ. Vì thế nếu quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận ổn định, và ít rủi ro, thì nhà đầu tư cá nhân nên mua chứng chỉ quỹ trái phiếu của quỹ đầu tư thì tốt hơn nhiều với việc tự mua.

** Bà ngoại: Vừa rồi bà nghe mấy đứa hàng xóm nói, lãi suất tăng thì giá trái phiếu sẽ giảm và giá chứng chỉ quỹ sẽ giảm nên mấy đứa nó định đi bán lại chứng chỉ quỹ trái phiếu cho quỹ quá chừng. Vụ này là sao vậy Ba?

Chú Ba: Bà ngoại siêu thiệt. Việc gì cũng biết. Đây là một việc phức tạp. Việt Nam chưa có một cơ chế định giá thị trường của trái phiếu dưới sàn niêm yết nên các quỹ đầu tư trái phiếu đang rất lúng túng. Nếu cứ định giá như hiện tại, thì nhà đầu tư sẽ tối đa hóa lợi nhuận bằng cách bán lại CCQ cho quỹ đầu tư. Bán nhiều quá thì dẫn đến trường hợp “Fund run” cũng tương tự “Bank run”, nghĩa là quỹ đầu tư không kịp thanh khoản để mua lại. Các quỹ cũng đang kiến nghị Uỷ Ban Chứng Khoán, Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, cùng giải quyết việc này.

Việc này phức tạp, chú Ba sẽ nói thêm trong buổi Zoom.

** Chú Ba tài chính xin nhắc lại, 8:30 tối Chủ nhật 6/11/2022, chú Ba sẽ chia sẻ các nội dung sau:

  • Những kiến thức quan trọng về Chứng chỉ Quỹ đầu tư.
  • Cách nhận biết các CCQĐT hiệu quả
  • Danh sách các CCQ trái phiếu đạt TSLN ổn định: 7.5 – 9.0% / năm
  • Danh sách các CCQ cổ phiếu đạt TSLN bình quân tài chính: 12% – 18%/năm

Trong đó danh sách các CCQĐT hiệu quả lần đầu tiên được chú Ba thống kê và chia sẻ như là lời cám ơn, và bù lại cho các bạn vì sách giao trễ. Các bạn không chuyên, không học sâu về đầu tư có thể mua các chứng chỉ quỹ này để tích lũy tài chính.

Bà ngoại và các bạn đã mua sách “Đầu tư Chứng khoán” hãy kiếm email @bizuni để nhận link và Password nhé.



» Có bạn hỏi link sách: https://bizuni.vn/sach-khoa-hoc-dau-tu-chung-khoan

» Các bạn có thể theo dõi thêm bài viết về “Làm sao để tiền sinh ra với tỷ suất lợi nhuận 10% – 18% trên một năm?” nhé.

» Bài viết được chú ba chia sẻ trên trang facebook cá nhân ngày 30/10/2022: https://www.facebook.com/LamMinhChanh/posts/5612941625459949

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

spot_img

Đọc nhiều

Kết nối với tôi

Hãy gửi cho tôi email của bạn, để nhận thông báo về những bài viết mới nhất của tôi nhé!

Bài viết liên quan