Bà Ngoại hỏi, Chú Ba trả lời: Nợ vay của doanh nghiệp & Cách tránh xa cổ phiếu có rủi ro về nợ vay.
TẠI SAO DOANH NGHIỆP CẦN VAY NỢ?
– Bà Ngoại: Tại sao doanh nghiệp cần phải vay nợ vậy Ba?
– Chú Ba: Có khi doanh nghiệp chỉ cần vốn trong 1 thời gian nhất định nào đó. Những trường hợp đó mà doanh nghiệp huy động thêm vốn cổ phần thì không kịp, mà cũng không hợp lý vì vốn cổ phần là vốn bền vững, vốn dài hạn chứ không linh động như vốn vay. Thêm vào đó, vốn cổ phần/ vốn chủ sơ hữu thì có chi phí cao hơn hẳn vốn vay nhé.
Lý do quan trọng nhất mà các doanh nghiệp vay nợ nhiều là vốn vay tạo ra đòn bẩy tài chính rất hiệu quả, rất lợi hại.
ĐÒN BẨY TÀI CHÍNH CỦA VỐN VAY

– Bà ngoại: Đòn bẩy tài chính là sao chú Ba?
– Chú Ba: Ví dụ doanh nghiệp của ngoại có 100 tỷ vốn chủ sở hữu. Ngoại làm ăn, kinh doanh đạt được lãi ròng, tức lợi nhuận là 20 tỷ. Khi đó ngoại đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là = 20 /100 = 20%. Tức là 100 đồng vốn chủ sở hữu tạo ra 20 đồng lời.
Ví dụ 1: Giả sử cơ cấu vốn của doanh nghiệp của ngoại là: nợ vay 30 tỷ, vốn chủ sở hữu: 70 tỷ. Nợ vay này có chi phí là 10%. Như vậy chi phí lãi vay = 30*10% = 3 tỷ. Như vậy lợi nhuận sau khi trả nợ vay sẽ là = 20 – 3 = 17 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu = 17 / 70 = 24.29%. Tức là 100 đồng vốn chủ sở hữu tạo ra 24.29 đồng lời.
Thật ra, thì mức lợi nhuận trên vốn sẽ cao hơn 24.29% nếu tính chi tiết đến việc lãi vay là chi phí được trừ ra khi tính thuế doanh nghiệp. Thuật ngữ chuyên môn gọi là lá chắn thuế của nợ vay.
– Bà ngoại: Nếu vay cao hơn nữa thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu càng cao hơn nữa.
– Chú Ba: Dạ đúng. Ví dụ 2: Giả sử cơ cấu vốn của doanh nghiệp của ngoại là: nợ vay 60 tỷ, vốn chủ sở hữu: 40 tỷ. Nợ vay này có chi phí là 10%. Như vậy chi phí lãi vay = 60*10% = 6 tỷ. Như vậy lợi nhuận sau khi trả nợ vay sẽ là = 20 – 6 = 14 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu = 14 / 40 = 35%. Tức là 100 đồng vốn chủ sở hữu tạo ra 35 đồng lời.
– Bà Ngoại: Vậy đã quá. Càng vay cao thì lợi nhuận trên vốn càng cao.
– Chú Ba: Dạ, vì vậy người ta gọi nợ là đòn bẩy tài chính. Tiếng Anh là leverage hay gearing. Cũng giống như trong vật lý, trong đời thường, mình dùng đòn bẫy để nâng vặt nặng lên vậy.
VAY NHIỀU QUÁ DOANH NGHIỆP SẼ BỊ RỦI RO

– Bà Ngoại: Vậy doanh nghiệp có thể vay với tỷ lệ thật cao, đến 90%, 95% luôn. Khi đó tỷ suất lợi nhuận trên vốn lại càng cao.
– Chú Ba. Dạ, không nên. Đòn bẫy nợ là con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng đúng liều lượng thì tốt. Mà sử dụng quá mức thì rủi ro cho doanh nghiệp.
Ví dụ 3, cơ cấu vốn của doanh nghiệp của ngoại là: nợ vay 80 tỷ, vốn chủ sở hữu: 20 tỷ. Nợ vay này có chi phí là 10%. Như vậy chi phí lãi vay = 80*10% = 8 tỷ. Giả sử năm đó, vì nhiều lý do khác nhau, doanh nghiệp kinh doanh không tốt, chỉ đạt lợi nhuận là 3 tỷ trên tổng số vốn 100 tỷ. Lợi nhuận chỉ có 3 tỷ mà phải trả nợ vay 8 tỷ, doanh nghiệp lỗ 5 tỷ. Số lỗ này sẽ làm giảm vốn chủ sở hữu xuống, từ 20 tỷ còn = 20 – 5 = 15 tỷ.
Khi doanh nghiệp sử dụng vốn vay quá nhiều mà không tạo đủ dòng tiền lợi nhuận để trả nợ thì vốn chủ sở hữu sẽ bị teo tóp dần đi. Nếu doanh nghiệp kéo dài hoàn cảnh nợ nần này thì sẽ có xu hướng lâm vào tình trạng phá sản.
– Bà ngoại: Vậy doanh nghiệp phải vay thận trọng hén.
– Chú Ba: Dạ đúng. Doanh nghiệp nên vay thận trọng để đạt cơ cấu vốn hợp lý.
MUỐN VAY PHẢI CÓ NĂNG LỰC KINH DOANH, NĂNG LỰC TÀI CHÍNH
– Bà ngoại: Mà ngoại thấy doanh nghiệp muốn vay ngân hàng cũng không dễ. Mấy doanh nghiệp mà ngoại quen vay ngân hàng rất khó khăn. DN Hai Rau Cải làm ăn tốt vậy mà cũng mất một thời gian thì ngân hàng mới cho vay số tiền lớn.
– Chú Ba: Dạ đúng vậy. Ngân hàng phải thẩm định doanh nghiệp để đảm bảo rằng doanh nghiệp có khả năng trả lãi vay, và hoàn trả nợ gốc.
Hầu hết các doanh nghiệp đều phải thế chấp tài sản, và có phương án vay rõ ràng gồm: mục đích và kế hoạch sử dụng vốn vay, năng lực tạo lợi nhuận, năng lực tài chính và kế hoạch trả nợ rõ ràng thì mới được ngân hàng xét duyệt vay theo hạn mức tín dụng.
Những doanh nghiệp có năng lực kinh doanh, tình hình tài chính mạnh và quan hệ lâu đời với ngân hàng thì mới được vay tín chấp.
DOANH NGHIỆP VAY CỦA NGÂN HÀNG VÀ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU.

– Bà ngoại: Có phải vì vay khó, mà doanh nghiệp đi vay bằng cách phát hành trái phiếu không Ba?
– Chú Ba: Dạ đúng rồi. Trong bài trái phiếu doanh nghiệp cháu có giải thích về việc này.
Thật ra trái phiếu là 1 công cụ tuyệt vời, giúp doanh nghiệp có thể vay trực tiếp từ quỹ, doanh nghiệp, hay người dân.
Tuy vậy ở Việt Nam còn nhiều bất cập về việc quản lý trái phiếu, dẫn đến một số doanh nghiệp cố tình phát hành trái phiếu để huy động vốn phi pháp, sử dụng không đúng mục đích phát hành, sử dụng để xử lý các vấn đề tài chính khẩn cấp và đảm bảo thanh khoản cho công ty như: Đảo nợ ngân hàng, thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn.
Rất nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu vượt quá năng lực tài chính. Người dân mua trái phiếu của các doanh nghiệp này từ các ngân hàng, công ty chứng khoán, cứ tưởng rằng tiền mua trái phiếu được đảm bảo như tiền gởi ngân hàng.
Họ không ngờ rằng các doanh nghiệp mượn vốn từ trái phiếu để kinh doanh rủi ro cao. Tức là họ dùng tiền của dân để chơi bài “được ăn cả ngã về không”. Nếu họ thất bại thì dân mất tiền.
Vụ trái phiếu này cũng dài nhiều tập. Cháu sẽ hầu chuyện Ngoại vào buổi khác nhen.
NHỮNG TIÊU CHÍ ĐỂ XÁC ĐỊNH DOANH NGHIỆP ĐANH CÓ NGUY CƠ RỦI RO TỪ NỢ VAY
– Bà Ngoại: Cám ơn thằng Ba. Bây giờ ngoại là nhà đầu tư. Thì làm sao ngoại có thể biết một doanh nghiệp đang có nguy cơ rủi ro từ nợ vay để ngoại tránh không mua cổ phiếu của nó.
– Chú Ba: Dạ, để cháu hướng dẫn bà ngoại. Có những tiêu chí cơ bản sau đây. Thứ nhất là khả năng trả nợ trong ngắn hạn. Thứ hai là khả năng trả nợ gốc. Thứ ba là khả năng trả chi phí lãi vay.
Thật ra những chỉ số cơ bản này đều được thể hiện trong các báo cáo phân tích. Các nhà đầu tư cũng có thể tự tính vì nó cũng rất đơn giản. Nhưng nhà đầu tư thì ít khi đọc báo cáo tài chính, báo cáo phân tích…cứ thế mà đầu tư theo các loại hệ, hệ tin đồn, hệ ..
– Bà ngoại: Hệ tâm linh.
– Chú Ba: Dạ đúng rồi. Tức là không thèm phân tích hay đọc số gì, cứ theo tin đồn, hay theo tâm linh mà “xuống tiền” thôi.
KHẢ NĂNG TRẢ NỢ TRONG NGẮN HẠN
– Bà ngoại: Khả năng trả nợ ngắn hạn của doanh nghiệp đo bằng gì vậy Ba?
– Chú Ba: Hệ số khả năng thanh toán hiện hành.
Doanh nghiệp được sinh ra để tồn tại và phát triển bền vững. Nhưng trước khi tồn tại dài hạn thì doanh nghiệp phải tồn tại trong ngắn hạn.
Giả sử nếu tất cả những người chủ nợ ngắn hạn của doanh nghiệp cùng đòi nợ trong năm thì doanh nghiệp có trả được không?
Khi đó người ta sẽ xét, hệ số khả năng thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn.
Tài sản ngắn hạn là tài sản lưu động, là những danh mục trong bảng cân đối kế toán doanh nghiệp có thể được chuyển thành tiền mặt trong khoảng thời gian là 1 năm. (Mã số 100)
Nợ ngắn hạn: Là các khoản nợ có thời hạn trả trong vòng 1 năm. (Mã số 310)
Doanh nghiệp có hệ số khả năng thanh toán hiện hành nhỏ hơn 1, tức là Tài sản ngắn hạn < Nợ ngắn hạn thì doanh nghiệp đó có rủi ro về thanh khoản trong ngắn hạn. DN đó có khả năng “đứt bóng” trong ngắn hạn.
Trong tài chính, người ta còn nói rằng: Doanh nghiệp đó đang dùng nợ ngắn hạn để mua tài sản dài hạn. Điều này rất nguy hiểm. Tài sản dài hạn chỉ nên được mua, được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu, và vốn vay dài hạn.
Tử hệ số khả năng thanh toán hiện hành, nếu chúng ta thay đổi tử số, chúng ta có thêm 2 hệ số để xét khả năng thanh toán ngắn hạn của DN, đó là
Hệ số khả năng thanh toán nhanh, chúng ta bỏ hàng tồn kho ra khỏi tài sản ngắn hạn. Tức là tử số = Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho.
Hệ số khả năng thanh toán tức thời. Tử số = Tiền và các khoảng tương đương tiền.
Để đánh giá các hệ số tài chính, chúng ta so sánh hệ số của doanh nghiệp theo thời gian các năm khác nhau, và so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành.
Hệ số khả năng thanh toán tức thời của DN A năm 2021 = 0.45. Trong khi đó năm 2019 = 0.52, năm 2020 = 0.49, năm 2021: 0.48. Thì hệ số khả năng thanh toán tức thời của A đang giảm.
Hệ số khả năng thanh toán tức thời của DN A năm 2021 = 0.45. Trong khi đó hệ số khả năng thanh toán tức thời trung bình của ngành là 4.9. Tức là A thấp hơn trung bình ngành.
KHẢ NĂNG TRẢ NỢ GỐC
– Bà ngoại: Khả năng trả nợ gốc của doanh nghiệp đo bằng gì vậy Ba?
– Chú Ba: Dạ cũng khó đo. Nhưng chúng ta có thể xem xét: Tỷ số nợ / tổng tài sản.
Tỷ số này thể hiện nợ chiếm bao nhiêu tài sản. Tỷ số này, sẽ cho ta biết, tài sản có thể trả hết nợ gốc hay không?
Như đã nói, doanh nghiệp được kỳ vọng phát triển bền vững, dài hạn. Doanh nghiệp sẽ trả nợ vay theo thời hạn của từng món nợ.
Nhưng hãy tưởng tượng trường hợp xấu nhất, mọi chủ nợ cùng đến đòi nợ thì doanh nghiệp sẽ phải bán tài sản để trả nợ..
Hầu hết tài sản của các doanh nghiệp về tài chính như ngân hàng, bảo hiểm là tiền, hoặc tương đương tiền, hoặc rất gần với tiền, hoặc rất gần với tiền…nên chuyển qua tiền thì sẽ không bị hao hụt nhiều.
Nhưng những doanh nghiệp thông thường khác thì có những tài sản lớn không tương đương với tiền như nhà máy, công xưởng, thiết bị. Vì thế 100 tỷ tài sản ròng trên bảng cân đối kế toán, chuyển thành tiền thì cao lắm là 70, 75 tỷ.
Do vậy, tỷ số nợ / tổng tài sản của doanh nghiệp, trừ 1 số trường hợp đặc biệt, không nên lớn hơn quá con số 70%, 75%.
Nợ cao quá so với tài sản thì doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc.
KHẢ NĂNG TRẢ CHI PHÍ LÃI VAY
– Bà Ngoại: Còn khả năng trả chi phí lãi vay được đo bằng hệ số nào?
– Chú Ba: Khả năng trả chi phí lãi vay của doanh nghiệp được đo bằng Hệ số khả năng thanh toán lãi vay. Cách tính như sau.
Ngoại lấy lợi nhuận trước thuế (mã số 50): 530 tỷ, cộng lại cho chi phí lãi vay: 68 tỷ (Mã số 23). Chúng ta sẽ có Lợi nhuận trước lãi vay, trước thuế = 598 tỷ.
Chúng ta lấy con số này chia cho chi phí lại vay = 598/68 = 8.79
Điều đó có nghĩa là lợi nhuận tạo ra trong năm của doanh nghiệp có thể trả đến 8.79 lần lãi vay. Đây là một con số khá an toàn.
– Bà ngoại: Nhưng nếu năm sau lợi nhuận doanh nghiệp xuống thấp thì sao.
– Chú Ba: Ngoại giỏi như chuyên gia tài chính vậy đó. Chúng ta phải dự tính những tình huống xấu nhất. Các nhà phân tích sẽ phân tích nhiều giả định để tìm ra mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp khi đối mặt với cạnh tranh, hoặc rủi ro về vĩ mô. Áp dụng con số này vào công thức sẽ cho chúng ta biết năng lực trả lãi vay của doanh nghiệp trong những tình huống xấu.
– Bà ngoại: Còn chỉ số nào nữa để đánh giá rủi ro của doanh nghiệp không?
ĐÁNH GIÁ RỦI RO DOANH NGHIỆP QUA CHI PHÍ VỐN VAY
– Chú Ba: Dạ còn. Có chỉ số này, không được chính quy lắm, nhưng trong thực tế cháu và nhiều người vẫn sử dụng. Đó là tính chi phí vốn vay của doanh nghiệp.
Nếu chi phí vốn vay thấp hơn mức trung bình, thì doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn, ít rủi ro.
Nếu chi phí lãi vay cao hơn mức trung bình, thì doanh nghiệp có năng lực tài chính vừa phải, có rủi ro.
– Bà Ngoại: Tính chi phí lãi vay của doanh nghiệp bằng cách nào.
– Chú Ba: Chúng ta tính như sau:
- Tổng vay ngắn hạn (mã số 310) và vay dài hạn (330) đầu năm, ví dụ bằng: 900 tỷ
- Tổng vay ngắn hạn và dài hạn cuối năm, ví dụ bằng 940 tỷ
- Tổng vay trung bình = (900 + 940) / 2 = 920 tỷ
- Chi phí lãi vay = 68 tỷ
- Chi phí vốn nợ của doanh nghiệp = 68/920 = 7.39%
Ngoại so sánh chi phí vốn nợ này với lãi suất cho vay trung bình của ngân hàng, và so sánh với chi phí vốn nợ của doanh nghiệp cùng ngành, hay có quy mô tương đương, thì ngoại sẽ biết là ngân hàng đánh giá doanh nghiệp đó là mạnh hay yếu, rủi ro cao hay rủi ro thấp.
Nguyên tắc: Loại trừ những ngoại lệ, thì về cơ bản doanh nghiệp có năng lực về kinh doanh, về tài chính, ít rủi ro hơn thì sẽ được vay với lãi suất thấp hơn. Còn doanh nghiệp chấp nhận vay với lãi suất cao hơn, thường là doanh nghiệp yếu hơn, có rủi ro cao hơn.
Bà Ngoại: Cám ơn Ba nhiều. Bây giờ ngoại đã hiểu tại sao DN Hai Rau Cải có thể vay với lãi suất 5% – 6%/ năm rồi. Bữa sau cháu nói sâu về trái phiếu doanh nghiệp nhen.
Chú Ba: Dạ, chuyện tài chính doanh nghiệp, và đầu tư thì dài lắm. Còn nhiều tập lắm. Con hẹn gặp ngoại.
——
Đây là 1 trong những bài sẽ được in trong sách “Đầu tư Chứng khoán: Chơi trò may rủi hay Tích lũy tài sản”.
Sự việc SCB, An Đông, Vạn Thịnh Phát… cho thấy nhiều người không hiểu cặn kẽ về những sản phẩm tài chính, về đầu tư…vì thế tôi đã quyết định chuyển 70% các bài trong sách qua thể loại Hỏi Đáp. Bằng cách viết Hỏi Đáp, tôi có thể cung cấp những định nghĩa cơ bản, trả lời nhiều câu hỏi của người đọc. Viết theo lối này, cũng giảm đi sự nhàm chán, giúp người đọc dễ theo dõi hơn. Và vì tôi phải viết lại, nên sách bị trễ hơn. Nhưng chắc chắn, các bạn sẽ hài lòng với cuốn sách mà tôi rất tâm huyết này.
—-
Các bạn muốn đọc những bài kiểu như thế này thì thả tym, like và comment tương tác nhé. Nhiều bạn hưởng ứng thì tôi sẽ chọn lọc và đăng thêm một số bài.
Chú ba Lâm Minh Chánh
» Chuỗi bài viết Bà ngoại hỏi chú Ba đáp:
- Bài 1. Bà ngoại hỏi, chú Ba đáp về Chứng chỉ Quỹ Đầu tư.
- Bài 2. Bà ngoại hỏi chú Ba về Cổ Phiếu.
- Bài 3. Bà Ngoại hỏi, Chú Ba trả lời về Nợ vay của doanh nghiệp & Cách tránh xa cổ phiếu có rủi ro về nợ vay.
» Bài viết được tôi chia sẻ trên trang facebook cá nhân ngày 03/11/2022: https://www.facebook.com/LamMinhChanh/posts/5623611851059593